Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đan Phượng xây dựng đô thị hiện đại

Nguyễn Mai| 08/10/2020 17:19

(HNM) - Xác định vị trí, vai trò, trách nhiệm là địa phương đầu tiên của thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện nông thôn mới, Đan Phượng đã, đang phát huy truyền thống đoàn kết cũng như những bài học kinh nghiệm từ nhiệm kỳ trước, từng bước khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, nỗ lực phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XXIV (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ huyện với mục tiêu trở thành đô thị hiện đại của Thủ đô.

Trường Tiểu học xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng) đã đạt danh hiệu Trường chuẩn quốc gia mức độ 2.

Huyện dẫn đầu về xây dựng nông thôn mới

Đến xã Phương Đình (huyện Đan Phượng), nhiều người có chung cảm nhận về vùng quê ven đô trù phú đang đổi thay từng ngày với hạ tầng khang trang, sạch đẹp. Chủ tịch UBND xã Phương Đình Nguyễn Xuân Khăng cho biết, triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao, xã đã có 10/10 thôn hoàn thành gắn biển số nhà, đặt tên đường, ngõ, xóm; xây dựng 52 cổng chào ngõ xóm; 700m2 tranh tường; đặt 3.000 thùng rác nơi công cộng... Người dân xã Phương Đình cũng có nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả như: Nuôi bò sữa, trồng rau an toàn, kinh doanh dịch vụ và gần 300 người đi lao động tại nước ngoài… nên thu nhập bình quân cao. Đến hết năm 2019, thu nhập bình quân của xã đạt 54,5 triệu đồng/người/năm. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng, Phương Đình là 1 trong 9/15 xã của huyện Đan Phượng đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao; tiếp tục thực hiện các bước xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. 

Để có thành quả toàn diện trong xây dựng nông thôn mới, Đan Phượng đã chỉ đạo triển khai quyết liệt với nhiều cách làm sáng tạo. Trong 5 năm qua, huyện đã huy động được hơn 2.482 tỷ đồng, trong đó huy động xã hội hóa và nhân dân đóng góp hơn 94 tỷ đồng, thực hiện đầu tư 646 dự án ở tất cả các lĩnh vực. Trọng tâm là đường giao thông, nhà văn hóa, trường học, cải tạo các ao, hồ… Ngoài ra, người dân còn đóng góp xây dựng mới được 14 cổng làng, 4 cổng chào, 13 sân bóng đá, 90 sân cầu lông và nhiều công trình văn hóa khác như sân chơi, bãi tập thể thao…

Cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, Đan Phượng tập trung tạo chuyển biến về chất trong xây dựng nông thôn mới. Song song với việc bảo tồn những giá trị văn hóa của một vùng quê truyền thống, nông thôn mới Đan Phượng đã và đang phát triển theo hướng đô thị, sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn. Từ năm 2017, Ban Thường vụ Huyện ủy Đan Phượng đã có chủ trương đặt tên đường, đánh số, gắn biển số nhà và biển chỉ dẫn công cộng trên địa bàn huyện. Chỉ trong thời gian ngắn, 15/15 xã đã hoàn thành đặt tên đường, gắn 38.900 biển số nhà và 3.806 biển chỉ dẫn công cộng; 80 tuyến đường (25,85km) có hoa và hơn 1.000m2 tranh bích họa được vẽ trên tường tại các xã. Có thể nói, diện mạo nông thôn Đan Phượng ngày càng khang trang, hiện đại…

Đến nay, Đan Phượng có 9/15 xã được thành phố công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. 6/15 xã còn lại cũng đã đạt và cơ bản đạt các tiêu chí, huyện dự kiến sẽ trình thành phố về đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2020. Kết quả trên sẽ tạo nền tảng vững chắc để huyện phát triển thành quận trong giai đoạn 2020-2025.

Đan Phượng tập trung phát triển hạ tầng, kết nối giao thương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Từng bước hướng tới đô thị hiện đại

Đại hội đại biểu lần thứ XXIV (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ huyện Đan Phượng xác định: “Phát huy truyền thống huyện anh hùng, kết quả xây dựng nông thôn mới, khai thác tiềm năng, lợi thế, huy động tốt mọi nguồn lực, hoàn thành quy hoạch, đầu tư hạ tầng tạo bước đột phá, phát triển huyện Đan Phượng sớm trở thành quận trong nhiệm kỳ 2020-2025”.

Để đáp ứng các tiêu chí của đô thị, Đảng bộ huyện Đan Phượng xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm, 2 khâu đột phá, 24 chỉ tiêu chủ yếu trong tổ chức thực hiện giai đoạn 2020-2025.

Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đan Phượng Lê Văn Thìn, 5 nhiệm vụ trọng tâm đó là: Tập trung phát triển kinh tế; bổ sung và hoàn thiện quy hoạch,  huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng; phát triển sự nghiệp văn hóa - xã hội; tăng cường, củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh... 

Để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ nêu trên, Đan Phượng đề ra 2 khâu đột phá, đó là: Huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đáp ứng tiêu chí quận, tạo thế và lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và cảnh quan đô thị; nâng cao hiệu lực quản lý điều hành của chính quyền, tập trung xây dựng chính quyền đô thị, tăng cường cải cách hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao ý thức trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. 

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng thông tin: Cùng với phát triển kinh tế, tăng thu ngân sách, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, Đan Phượng chú trọng các tiêu chí “mềm” như môi trường, nước sạch, nâng cao đời sống người dân. Huyện đã quy hoạch 101 ao môi trường với diện tích 37,2ha, trong đó xây dựng và cải tạo được 74/101 ao; tổ chức trồng cây xanh trên các trục đường chính và trong các công sở, cơ quan, trường học; đồng thời công tác vệ sinh môi trường, thu gom rác thải được duy trì thường xuyên, tỷ lệ thu gom rác thải trong ngày cơ bản đạt 100%.

Cùng với đó, Đan Phượng tập trung triển khai công tác bảo đảm trật tự mỹ quan đô thị, xây dựng nếp sống văn minh, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, trật tự an toàn giao thông, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã có 495,38km đường chiếu sáng. Mặt khác, Đan Phượng chú trọng cung cấp nước sạch cho nhân dân. Toàn huyện đã có 3 nhà máy cấp nước sinh hoạt tập trung tại thị trấn Phùng và các xã: Tân Hội, Tân Lập với tổng công suất 6.350m3/ngày đêm cùng với mạng lưới cung cấp nước sạch cho 8 xã. Đến nay, tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch là 56%. Huyện đang đề nghị các doanh nghiệp thi công công trình nước sạch đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án để hoàn thành mạng lưới cung cấp nước sạch cho 100% hộ dân trong năm 2020.

Bên cạnh nỗ lực, cố gắng từ nội tại, Đan Phượng mong muốn thành phố sớm đẩy nhanh tiến độ các dự án đang thực hiện và đi qua địa bàn như: Nhà máy nước mặt Sông Hồng, đường Tây Thăng Long, đường vành đai 4, vành đai 3,5 và các tuyến tỉnh lộ... nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông, bảo đảm kết nối giao thông theo tiêu chí quận, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Phát huy truyền thống huyện anh hùng và những thành tựu trong xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đan Phượng quyết tâm hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XXIV (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ huyện đưa Đan Phượng sớm trở thành quận của Thủ đô Hà Nội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đan Phượng xây dựng đô thị hiện đại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.