Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đam mê của “nhà sáng chế”

Minh Phú| 17/09/2017 07:16

(HNM) - Sinh năm 1983, gắn bó với nghề nông từ nhỏ, anh Tạ Đình Huy (thôn An Mỹ, xã Thượng Vực, huyện Chương Mỹ) thấu hiểu những nhọc nhằn của người nông dân.

Sản phẩm máy nông nghiệp đa năng sản xuất tại xưởng cơ khí của anh Tạ Đình Huy.


Máy đa năng "15 trong 1"

Học xong phổ thông, Tạ Đình Huy không thi đại học mà quyết định học sửa chữa xe máy, rồi mở một cửa hàng nhỏ ở địa phương. Song, anh đã không chịu "ngồi yên" với nghề mà luôn trăn trở khi thấy người nông dân vất vả "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời". Sự cực nhọc của người nông dân đã khiến anh nghĩ đến những chiếc máy làm thay công việc của con người. Lúc đầu anh mày mò, tự chế tạo một số máy phục vụ cho gia đình và sản phẩm đầu tay của anh ra đời năm 2005 - đó là chiếc máy bơm nước.

Nhớ về ngày đầu ấy, anh Huy kể: Thời điểm đó, bà con thường sử dụng máy bơm nước do Trung Quốc sản xuất. Loại máy này giá rẻ nhưng độ bền không cao, rất nhanh hỏng. Tuy là thợ sửa xe máy nhưng nhiều người lại nhờ tôi sửa máy bơm nước. Qua mày mò, tôi đã tận dụng động cơ xe Honda cũ hỏng và cải tiến thành máy bơm nước... Và sự tìm tòi đã không phụ công anh. Sau thời gian nghiên cứu, chế tạo, chiếc máy bơm nước đã thành công. Máy dễ sử dụng vì được khởi động bằng "đề", không phải giật dây như máy Trung Quốc, lại có giá thành thấp vì được chế tạo từ đồ cũ... Thấy máy tiện lợi, bà con đặt hàng anh "sáng chế" ngày một nhiều. Từ đó, thương hiệu "máy bơm nước Tạ Đình Huy" được sử dụng khá phổ biến trong vùng...

Thành công ban đầu ấy là động lực để anh tiếp tục sáng tạo ra sản phẩm mới, tích hợp nhiều công dụng trong một máy như: Cày, bừa, phay đất, tạo hàng, gieo hạt. Thời gian đầu, việc chế tạo không hề đơn giản, phải tháo ra, lắp lại rất nhiều lần, nhưng khi thử nghiệm vẫn chưa được như ý. Không nản, anh tìm tòi, điều chỉnh từng chi tiết và cuối cùng đã thành công. 3 năm sau khi có sản phẩm đầu tay đó, anh đã cho ra đời chiếc máy đa năng đầu tiên, chạy trơn tru trên đồng ruộng. Lúc ấy, máy rất "được việc" khi vừa làm đất, phun thuốc sâu và cả bơm nước. Qua quá trình học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, đến năm 2013 anh tích hợp thêm 7 chức năng trong 1 máy. Để thử sức mình, ngay trong năm đó anh mạnh dạn mang sản phẩm "7 trong 1" đến dự thi chương trình “Nhà sáng chế” của Đài Truyền hình Việt Nam và đã "rinh" giải Nhất.

“Tiếng lành đồn xa”, khách hàng tìm đến đặt hàng anh sản xuất chiếc máy đa năng này ngày một nhiều. Anh tiếp tục tích hợp thêm các chức năng của máy lên “8 trong 1”, “10 trong 1”, “12 trong 1” và hiện nay nâng cấp thành “15 trong 1”: Cày, bừa, phay đất, làm cỏ vườn, tạo luống, gieo hạt, đảo phân, đào hố trồng cây, phun thuốc sâu, bơm nước… Với bằng ấy công dụng, một chiếc máy có thể thay thế hàng chục lao động thông thường...

Từ sức bật đó, anh đã sáng chế ra một số máy khác như: Chăm sóc ngô, làm cỏ rau, trồng hoa ly... Mới đây, anh chế tạo xe rùa máy chuyên chở vật liệu xây dựng. Anh cho biết: "Khi thi công công trình trong ngõ hẹp, thợ xây phải mất rất nhiều sức vì không có máy móc hỗ trợ. Từ thực tế đó, tôi đã chế tạo ra xe rùa máy (chạy bằng ắc quy hoặc động cơ chế từ xe máy cũ). Xe có thể chở gấp 5-7 lần so với xe rùa đẩy tay, lại di chuyển được ở nhiều địa hình, từ bậc thang đến các đoạn đường mấp mô”...

Những sáng chế của Tạ Đình Huy có tính ứng dụng cao, giá thành phải chăng đã giúp nông dân tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật nhanh hơn. Bởi vậy, sản phẩm của anh được bà con tín nhiệm, thậm chí, máy còn được "xuất" sang cả nước bạn Lào. “Người dân tự mách nhau đến đặt hàng nên tôi bán trực tiếp chứ không thông qua kênh phân phối nào. Mỗi tháng, cơ sở của tôi có thể sản xuất được 30 sản phẩm máy các loại, doanh thu đạt khoảng 900 triệu đồng/năm” - anh Huy chia sẻ...

Đam mê và trách nhiệm

Thành công hôm nay đối với Tạ Đình Huy không hề dễ dàng. Anh hồi tưởng: “Khi bắt đầu nghiên cứu làm chiếc máy đầu tiên, không ai ủng hộ tôi, kể cả người thân trong gia đình. Họ lo lắng và khuyên chân tình: Nhiều người được đào tạo bài bản còn không thành công, thì việc “lao đầu” vào lĩnh vực này là "dở người"... Quả thực, khi ấy tôi cũng nản. Nhưng điều đó chỉ thoảng qua. Tôi đã quyết tâm, kiên trì để thực hiện bằng được điều tâm huyết. Nhưng khó khăn lại bủa vây khi trong tay không có vốn. Lại tìm cách xoay, chạy vạy, lo toan đủ bề... Rồi cứ tích lũy dần, mãi mới được như hôm nay"...

Sự nỗ lực không mệt mỏi của anh đã được gia đình, bạn bè và bà con trong vùng ghi nhận. Bên cạnh đó, anh còn được động viên, cổ vũ bằng nhiều giải thưởng, bằng khen, giấy khen của các cấp chính quyền. Đó là động lực tiếp sức cho anh...

Tạ Đình Huy không chỉ đam mê chế tạo máy, mà còn rất nhiệt tâm với công việc chung của địa phương. Trước đây, anh tham gia Ban Chấp hành Đoàn thanh niên xã Thượng Vực và là Bí thư Chi đoàn thôn An Mỹ. Với uy tín của mình, anh đã tham mưu cho chính quyền, đoàn thể mở nhiều lớp dạy nghề cơ khí cho thanh niên và nhiều người đã tìm được việc làm tốt. Ngay tại xưởng cơ khí của anh cũng có tới 30 đoàn viên thanh niên đang cùng anh trực tiếp sản xuất máy nông nghiệp đa năng. “Trước đây, sản xuất thủ công, phải “chế” từ các máy cũ nên tốn rất nhiều công sức. Hiện nay, một số chi tiết của máy tôi đặt mua tại nhà sản xuất, mang về xưởng lắp ráp để nâng cao chất lượng sản phẩm. Do vậy, thợ của xưởng được giải phóng một phần sức lao động, năng suất ngày càng cao. Để phù hợp xu thế phát triển, tôi đang hoàn thiện thủ tục thành lập công ty; đồng thời, tiếp tục cải tiến quy trình sản xuất hiện đại hơn, tạo ra sản phẩm tốt hơn để phục vụ sản xuất nông nghiệp hiệu quả hơn" - anh Huy chia sẻ.

Nói về "nhà sáng chế" của địa phương, Chủ tịch UBND xã Thượng Vực Nguyễn Bá Sâm cho biết, sản phẩm máy nông nghiệp do cơ sở của anh Tạ Đình Huy sản xuất không chỉ được nông dân trong vùng tin dùng mà còn được tiêu thụ trên toàn quốc với số lượng khá. Anh Tạ Đình Huy còn luôn gương mẫu trong các hoạt động chung của cộng đồng. Đáng trân trọng hơn khi anh luôn sẵn sàng dạy nghề cơ khí và giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Thành quả đáng tự hào của anh Tạ Đình Huy là điển hình cho thế hệ trẻ trong tạo lập sự nghiệp bằng ý chí, nghị lực và đam mê...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đam mê của “nhà sáng chế”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.