Lý Thu Hà là họa sĩ chính của nhiều bộ phim hoạt hình xuất sắc được “đóng mác” Hãng phim hoạt hình Việt Nam (nay là Công ty TNHH MTV Hãng phim hoạt hình Việt Nam). Từ thành công của các bộ phim hoạt hình như “Tiếng nhạc ve”, “Ếch chia trăng”, “Cậu bé cờ lau”..., chị đã giành giải thưởng Họa sĩ xuất sắc và Họa sĩ tạo hình xuất sắc tại các kỳ Liên hoan phim Việt Nam và Lễ trao giải Cánh diều các năm 2004, 2007, 2013, 2019.
Có thể nói, họa sĩ Lý Thu Hà là người đã sống trọn vẹn với niềm đam mê và chị cũng là một trong số ít những họa sĩ đã về hưu rồi mà vẫn nhận được nhiều lời mời làm phim.
1. Hiếm có người nào có thể nói chuyện cả ngày về nghề làm phim hoạt hình như họa sĩ Lý Thu Hà. Với năng khiếu hội họa trời cho, lại tốt nghiệp ngành Thiết kế đồ họa Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, Lý Thu Hà thuận lợi về công tác tại Hãng phim Hoạt hình Việt Nam từ năm 1981 và gắn bó với công việc làm phim hoạt hình thiếu nhi trong suốt 30 năm cho đến khi nghỉ hưu. Theo lời chị kể, dường như chị sinh ra đã có mối duyên đặc biệt với hoạt hình.
“Tính mình rất vui vẻ, từ bé đã thích đọc truyện hài của nhà văn Pháp Molière, rồi các truyện dành cho thiếu nhi như “Cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer”, “Không gia đình”, đặc biệt là truyện “Mít đặc”, “Biết tuốt”... Thêm nữa, vì có ba làm trong Đài Truyền hình Việt Nam, lại phụ trách chương trình “Những bông hoa nhỏ” nên mình hay được theo ba đến Đài để duyệt nội dung các bộ phim hoạt hình nước ngoài sẽ được phát sóng, và tình yêu với hoạt hình bắt đầu nảy nở từ đó” - Lý Thu Hà nói. Những ngày sau đó, mỗi khi có thời gian, chị lại đến Hãng xin thử tay nghề với tất cả sự háo hức, say mê.
Bộ phim đầu tiên mà chị tham gia với vai trò họa sĩ là phim hoạt hình “Ba quả trứng”. Mặc dù khá tự tin và lạc quan vào khả năng của bản thân nhưng Lý Thu Hà vẫn hơi choáng váng vì phải vẽ tay từng tờ và mỗi cảnh phim có độ dài 3 giây thôi nhưng phải vẽ 5 - 7 lần mới được đạo diễn Nguyễn Minh Trí “duyệt”. Lý Thu Hà kể rằng chị vẫn nhớ như in những ngày đầu bỡ ngỡ, khi vẽ khẩu hình cho nhân vật phim “Ba quả trứng” chị đã phải tự làm mẫu bằng cách đứng trước gương vừa há miệng nói vừa quan sát để vẽ. Cứ thế lặp đi lặp lại nhiều lần, miễn sao để có được hình vẽ diễn xuất khớp với câu thoại trên bảng quay của đạo diễn. Thế rồi, từ những bản vẽ chuyển động ban đầu còn ngô nghê, được sự động viên khuyến khích của đạo diễn và các đồng nghiệp, Lý Thu Hà đã dần có được thành công và sự công nhận của bạn bè, đồng nghiệp. Chị luôn trân trọng và hàm ơn các đồng nghiệp tiền bối như Minh Trí, Phương Hoa đã khuyến khích, động viên chị trong hành trình đầu tiên đến với nghề.
“Thời bao cấp, điều kiện làm phim vô cùng thiếu thốn. Mỗi khi được phát giấy pơ-luya, bút vẽ, tẩy... các họa sĩ phải đếm từng tờ, ký nhận vào sổ. Trong quá trình làm việc, để tiết kiệm giấy, mỗi khi vẽ nháp xong, họa sĩ lại phải tẩy sạch những nét phác, chỉ để lại một nét, từ đó người nét lại cho mình cũng chỉ mất một tờ giấy. Bọn mình thường nói với nhau, hoạt hình như con nhà nghèo nhưng lại đòi ăn ngon. Đôi lúc nghĩ lại, tôi vẫn thắc mắc không biết ngày đó vì sao mình lại yêu hoạt hình đến vậy” - chị tâm sự.
2. Sau một thời gian làm họa sĩ vẽ xen kẽ, vẽ diễn xuất, Lý Thu Hà tích lũy kinh nghiệm làm nghề và trở thành họa sĩ chính. Chị quan niệm rằng cuộc sống muôn màu chính là chất liệu bổ ích nuôi dưỡng sự sáng tạo của người nghệ sĩ, vì vậy mỗi người, dù quen dù lạ, bất cứ ai chị gặp trong cuộc sống đời thường cũng có thể trở thành niềm cảm hứng sáng tác của chị, để rồi qua nét vẽ trở thành nhân vật trong câu chuyện riêng của chị.
Đó là những khuôn hình giàu cảm xúc, gợi nhớ tuổi thơ của nhiều người Việt Nam trong “Sự tích rước đèn Trung thu” (bộ phim giúp chị giành giải Họa sĩ xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 13), là các nhân vật với hình hài và cá tính riêng trong phim hoạt hình đề tài lịch sử “Cậu bé cờ lau” (bộ phim giúp chị giành giải thưởng Họa sĩ tạo hình xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19, khi đã về hưu). Đó còn là chú ve đáng yêu trong phim hoạt hình cắt giấy “Tiếng nhạc ve”, chú ếch vui tính trong “Ếch chia trăng” do chị là đạo diễn kiêm họa sĩ. Hai bộ phim này đã được trao giải thưởng Bông sen Bạc lần lượt tại các kỳ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 14 - năm 2004, và Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 15 - năm 2007.
Ngoài đời, họa sĩ Lý Thu Hà có phong cách ăn mặc đơn giản và lối nói chuyện nhẹ nhàng, đặc biệt là rất hài hước. Ở tuổi ngoài 60, chị vẫn độc thân, sống trong căn nhà nhỏ ở khu Giảng Võ. Chị bảo tự thấy mình không "giỏi" như đa số phụ nữ Việt Nam cùng lúc có thể gánh được hai trọng trách sự nghiệp và gia đình, mà chỉ có thể làm được một việc và chị chọn cách dành cả đời cho hội họa, cho hoạt hình. Điều hạnh phúc là chị đã tìm thấy niềm vui với cây cọ, giá vẽ với những nhân vật mà cả trăm lần thai nghén lần nào cũng vất vả, hồi hộp y như lần đầu. Tuy nhiên, vì đã hiểu rằng “do tính cách của mình dẫn dắt thành nghiệp chứ mình cũng chẳng chọn đâu” nên chị hài lòng với lựa chọn đó và an nhiên tận hưởng hạnh phúc của người tự do, được làm công việc mình yêu thích.
Sau khi nghỉ hưu, Lý Thu Hà dành thời gian nhiều hơn để tìm hiểu vẻ đẹp của văn hóa dân gian, văn hóa Việt cổ bên cạnh niềm đam mê hội họa từ thời trẻ. Chị miệt mài vẽ tranh, vẽ minh họa sách, xem triển lãm, đi nghe hát quan họ, tham gia nhóm “Đình làng Việt” để tìm hiểu về tinh hoa văn hóa được thể hiện qua những nét chạm khắc tinh xảo ở các ngôi đình làng Việt xưa... Bấy nhiêu đó đủ khiến chị bận rộn như xưa. Điều quan trọng là chị tìm thấy niềm vui trong những điều thú vị nhỏ bé ấy, để có thể giữ cho mình vẻ ngoài trẻ trung và tính cách hài hước đúng với biệt danh “dì Moli” - gọi theo tên của nhà hài kịch người Pháp Molière - mà các đồng nghiệp thân thiết ở Hãng phim hoạt hình Việt Nam đã đặt cho chị.
Đạo diễn, họa sĩ Lý Thu Hà sinh năm 1957. Sau 30 năm công tác tại Hãng phim hoạt hình Việt Nam, năm 2012, Lý Thu Hà được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Ngoài giải thưởng Họa sĩ xuất sắc và Họa sĩ tạo hình xuất sắc tại các kỳ Liên hoan phim Việt Nam và Lễ trao giải Cánh diều, họa sĩ Lý Thu Hà còn nhận Giải thưởng Mỹ thuật đồ họa Việt Nam với các tác phẩm truyện tranh: “Nợ như Chúa Chổm” (Nhà xuất bản Kim Đồng), “Quan Âm Thị Kính" (Nhà xuất bản Giáo dục) và bộ tranh minh họa truyện “Việc làng” của nhà văn Ngô Tất Tố do Công ty Văn hóa và truyền thông Nhã Nam xuất bản...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.