(HNMO) – Chào mừng kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô, một loạt chương trình văn hóa, nghệ thuật đang diễn tại Hà Nội thu hút sự quan tâm của rất nhiều du khách trong và ngoài nước.
Ông Tô Văn Động giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội |
* Hiện nay, đã có rất nhiều hoạt động kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô diễn ra và thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước. Trong loạt chương trình ấy, đâu là điểm nhấn thưa ông?
- Ngành văn hóa Hà Nội đã có cả một năm lên kế hoạch và chuẩn bị cho các sự kiện chào mừng . Từ đầu tháng 10, hàng loạt sự kiện văn hóa, thể thao đã được phát động trên diện rộng từ các quận huyện như Liên hoan sân khấu Hà Nội, Liên hoan múa rồng, cuộc thi giọng hát hay Hà Nội, Liên hoan âm nhạc “Gió mùa”, giải chạy vì hòa bình của báo Hà Nội Mới, giải đua xe đạp xung quanh Bở Hồ… Điểm nhấn quan trọng của loạt sự kiện này vẫn là các chương trình diễn ra vào đúng ngày Giải phóng Thủ đô 10-10 với chương trình cầu truyền hình tại 4 điểm cầu lớn là Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, tượng đài Lý Thái Tổ, Văn Miếu – Quốc Tử Giám và tại Đài Truyền hình Việt Nam. Bên cạnh đó, trong dịp kỷ niệm này chúng tôi muốn hướng tới văn hóa âm nhạc đường phố để người dân được hòa mình cùng với các sự kiện. Trên một số góc phố của Hà Nội sẽ có các ban nhạc nước ngoài biểu diễn.
* Ông có thể nói rõ hơn về những điểm hấp dẫn trong chương trình cầu truyền hình diễn ra vào ngày 10-10 để thu hút không chỉ người dân Hà Nội mà còn du khách trong và ngoài nước?
- Tại 4 điểm cầu, chúng tôi dự định sẽ có những chương trình giao lưu khách mời, biểu diễn nghệ thuật hấp dẫn. Ví dụ như tại điểm cầu Đài THVN sẽ là những cuộc giao lưu với các khách mời, nhân chứng lịch sử. Điểm cầu ở quảng trường Cách mạng Tháng Tám sẽ là chương trình biểu diễn nghệ thuật của các nghệ sĩ nổi tiếng của cả nước. Điểm cầu tại tượng đài Lý Thái Tổ là chương trình “Hà Nội ngày về” diễn tả quá trình lịch sử khi Hà Nội được giải phóng. Tại đầu cầu này khán giả sẽ được xem màn sử thi với nhiều thể loại nghệ thuật cùng tham gia như kịch, xiếc, cải lương, ca nhạc nhẹ.
Một thiết kế áo dài của NTK Anh Thư sẽ trình diễn trong chương trình nghệ thuật tại đầu cầu Văn Miếu - Quốc Tử Giám |
Điểm cầu Văn Miếu – Quốc Tử Giám lại là sắc màu thời trang mang tên “Hương sắc Hà Nội” với màn trình diễn áo dài của các NTK nổi tiếng của Hà Nội như Đức Hùng, Anh Thư (thương hiệu áo dài Ngân An), Lan Hương, Võ Thùy Dương. Chúng tôi hy vọng, chương trình này thành công sẽ trở thành thương hiệu nghệ thuật đê tổ chức định kỳ hàng năm.
* Liệu trong dịp này, ngành văn hóa Hà Nội có định xác lập kỷ lục chương trình nào không thưa ông?
- Chúng tôi không chủ trương kỷ lục, không lấy số lượng đông, nhiều để làm tiêu chí thực hiện mà tập trung và chất lượng của các chương trình. Các chương trình diễn ra phải thể hiện cái tinh, cái chất của người Hà Nội và nếu có cái gọi là kỷ lục thì đó là tình cảm và sự hưởng ứng của người dân trong loạt sự kiện này.
* Loạt chương trình này có sự tham gia của đông đảo nghệ sĩ, diễn viên tên tuổi không chỉ của Hà Nội, điều đó cho thấy Sở VHTT&DL Hà Nội sẽ rất chịu chơi trong việc trả cát-xê cho các nghệ sĩ “ngôi sao”. Ngành văn hóa giải quyết thế nào vấn đề tiết kiệm trong tình hình kinh tế hiện nay, thưa ông?
- Chúng tôi vẫn luôn đặt vấn đề tiết kiệm làm tiêu chí. Cho đến thời điểm này, Sở VHTT&DL Hà Nội chưa duyệt một mức chi phí cát-xê “khủng” nào cho nghệ sĩ. Loạt chương trình nghệ thuật tới đây có hàng trăm nghệ sĩ, diễn tham gia trong đó có không ít tên tuổi lớn hàng đầu của làng nhạc nhẹ Việt Nam như Mỹ Linh, Hồng Nhung, Thanh Lam, Trọng Tấn... và rất nhiều nghệ sĩ từ miền Nam tham gia biểu diễn nhưng tất cả đều trên tinh thần tự nguyện, cống hiến là chính. Rất nhiều nghệ sĩ chỉ tham gia 1/4 tiết mục thôi nhưng cũng rất háo hức, nhiệt tình.
Các nghệ sĩ nhiệt tình tham gia trên tinh thần đóng góp cho Hà Nội |
* Các chương trình lớn trong dịp kỷ niệm này phần lớn tổ chức tại khu vực trung tâm của Bờ Hồ, bài toán đảm bảo an ninh, vệ sinh, phí dịch vụ sẽ được giải quyết thế nào, thưa ông?
- Đây là một trong nhưng vấn đề lớn và được quan tâm hàng đầu khi tổ chức các sự kiện có sự tập trung của đông người. Chúng tôi sẽ phối hợp với bên an ninh để đảm bảo cao nhất việc đảm bảo trật tự, an toàn cho người dân tham gia sự kiện. Trong tình hình tổ chức tiết kiệm thì chúng tôi phải tính đến sự tập trung và hiệu quả cao nhất cho các chương trình và không đâu bằng khu vực Bờ Hồ.
Chúng tôi tính toán, lượng người tham gia đông đến mấy thì cũng như trong dịp đón Tết nguyên đán thôi vì các chương trình tổ chức nối nhau chứ không phải là tất cả diễn ra một lúc. Ví dụ như tại tượng đài Lý Thái Tổ, tổ chức nhiều sự kiện như Liên hoan múa rồng, giải chạy báo Hà Nội Mới, cầu truyền hình nhưng vào các thời điểm khác nhau… Tuy nhiên, để tránh tình trạng người dân đồ dồn về khu vực trung tâm quá đông, Sở VHTT&DL quyết định bắn pháo hoa tại 30 điểm ở trung tâm các quận, huyện chứ không chỉ ở khu vực trung tâm.
Giải chạy báo Hà Nội Mới là một trong những hoạt động thu hút sự tham gia của đông đảo nhân dân Thủ đô |
* Sau chương trình kỷ niệm diễn ra vào ngày 10-10, Hà Nội sẽ còn tổ chức chương trình kỷ niệm 15 năm được UNESCO công nhận là “Thành phố vì hòa bình”, ông có thể nói rõ hơn về chương trình này?
- Đó là chương trình “Hà Nội – Thành phố vì hòa bình” diễn ra vào ngày 12-10 xung quanh Bờ Hồ. Sau lễ khai mạc sẽ có một loạt hoạt động hưởng ứng với tinh thần vì hòa bình diễn ra như: cuộc đi bộ vì hòa bình có sự tham gia của 300 người, hoạt động đi xe đạp quanh Bờ Hồ, thả chim hòa bình, tổ chưc các điệu nhảy ở các nước, trưng bày triển lãm văn hóa các nước Asean với Hà Nội…
Liên hoan múa rồng tại tượng đài Lý Thái Tổ |
* Trong dịp này, Hà Nội có tính đến việc kích cầu du lịch, tạo điểm thu hút du lịch hấp dẫn không thưa ông? Việc chuẩn bị đón lượng khách đến với Hà Nội với số lượng đông sẽ được đảm bảo ra sao?
- Hà Nội dự tính trong dịp này sẽ đón 3 triệu khách trong nước và quốc tế. Dịp này, Hà Nội cũng tổ chức du lịch làng nghề, các công ty lữ hành du lịch cũng tổ chức các gói kích cầu, giảm sâu để du khách đến với Hà Nội nhiều hơn. Chúng tôi chủ trương, các loại dịch vụ du lịch thực hiện nghiêm túc việc không tăng giá, chặt chém du khách. Hy vọng, những điều này sẽ được thực hiện tốt với đúng tinh thần mà ngành văn hóa đề ra để du khách trong và ngoài nước có được ấn tượng tốt đẹp khi đến với Hà Nội trong dịp kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô.
* Xin cám ơn ông về những chia sẻ!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.