(HNM) - Chuẩn bị cho một sự kiện lớn như Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai, có những chi tiết tưởng như nhỏ nhưng cho thấy sự chu đáo, tinh tế của Việt Nam - nước chủ nhà - và thành phố Hà Nội - nơi diễn ra sự kiện: Thành phố Vì hòa bình đã công phu chế biến các món ăn truyền thống phục vụ gần 3.000 phóng viên tác nghiệp tại sự kiện.
Một sự kiện khác, trong chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã dành thời gian để thưởng thức bún chả, bia Hà Nội. Hay như trên đường ra sân bay về nước, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã ghé vào một quán phở truyền thống của Hà Nội để thưởng thức sản phẩm ẩm thực đặc sắc này. Thủ tướng Canada Justin Trudeau, trong nghị trình dày đặc của mình, ghé vào một quán cà phê nhỏ gần ngã tư Lê Thánh Tôn - Lê Anh Xuân (thành phố Hồ Chí Minh) và gọi hai ly cà phê sữa pha phin…
Mẫu số chung của những sự kiện này, như đã thấy: Ẩm thực, vượt qua giá trị và ý nghĩa một di sản, đã trở thành một đại sứ của văn hóa, đã truyền tải những thông điệp về bản sắc Việt Nam, với thứ ngôn ngữ riêng giàu tính kết nối giữa quá khứ với hiện tại. Không chỉ là một đại sứ văn hóa, hàm chứa nhiều giá trị tinh thần, vật chất của cả truyền thống lẫn đời sống hiện đại, ẩm thực, sau đó, còn là đại sứ của lĩnh vực du lịch. Cả từ góc độ thống kê quản lý lẫn thực tế đều có thể thấy, du khách quốc tế khi đến Việt Nam, khi đến Hà Nội, trên hành trình lãng du, khám phá của mình, đều dành thời gian để thưởng thức những phở, bún thang, hủ tiếu, bánh mỳ Hội An, cà phê phin truyền thống của người Việt...
Với du khách trong nước, mỗi đặc sản ẩm thực địa phương luôn để lại nhiều dấu ấn. Vì thế, đến Thủ đô, dứt khoát phải dành thời gian thưởng thức bát phở Hà Nội, bún thang bà Ẩm; vào Nghệ An, phải tìm đến những quán lươn Nghệ có tiếng; đến xứ Quảng, dứt khoát phải tìm chỗ bán mỳ, hủ tiếu ngon hay bánh mỳ Hội An đã thành danh…
Như một đại sứ đa nhiệm và như một đại sứ du lịch, ẩm thực có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển của ngành công nghiệp không khói. Nhưng để vị đại sứ đặc biệt này phát huy hết vai trò, trước hết với ngành Du lịch, có rất nhiều việc đáng nói.
Ẩm thực tự nó đã là một sản phẩm du lịch độc đáo. Về cách làm, có rất nhiều ví dụ đáng để tham khảo mà mỗi nước, hay mỗi địa phương, trong đó có Hà Nội nói riêng đều đã rất thành công, như đã đề cập ở trên. Tour ẩm thực hay lồng ghép sản phẩm ẩm thực tiêu biểu của mỗi địa phương vào các tour, tuyến du lịch là hướng đi giàu giá trị.
Vai trò của những “nghệ nhân” ẩm thực đóng vai trò quan trọng. Chính họ là những người vừa tiếp nối, vừa trao truyền và “tiếp thị” những tinh hoa ẩm thực đến với du khách trong và ngoài nước, để hành trình khám phá của mỗi du khách thêm hấp dẫn. Mỗi sản phẩm độc đáo, như phở, bún thang, hủ tiếu… lại đặt ra những tiêu chí phù hợp về hệ thống nhà hàng, quán ăn - tạm gọi là cơ sở vật chất - đạt chuẩn, trước hết là “chuẩn” về bản sắc, sau đó là chuẩn về chất lượng phục vụ. Và lâu bền là phải giữ cho được chất lượng ổn định trong mọi hoàn cảnh, tình huống...
Yếu tố để ẩm thực đóng vai trò như một đại sứ du lịch hiệu quả còn nằm ở khía cạnh quảng bá. Cách thức truyền thông như Hà Nội và rất nhiều địa phương khác đã làm, đã mang lại những hiệu ứng rõ rệt để ẩm thực không chỉ như sợi dây kết nối trái tim với trái tim - dù không cùng chung nền tảng văn hóa - người bản địa với du khách - mà còn là yếu tố để Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng không chỉ là điểm đến mà thực sự trở thành nơi du khách đi về.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.