(HNMO) - Chiều 27-1, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục thảo luận tại hội trường về dự thảo các văn kiện Đại hội. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch cùng các đồng chí trong Đoàn Chủ tịch chủ trì phiên làm việc. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương khóa XII Phạm Minh Chính điều hành phiên thảo luận.
Thay đổi cách tiếp cận về sản xuất nông nghiệp hàng hóa
Tham luận đầu tiên trong phiên làm việc buổi chiều, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường khẳng định, ngành Nông nghiệp thường xuyên nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước. Chính vì vậy, 5 năm qua phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân đã được toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, các cấp, các ngành vào cuộc quyết liệt, đồng bộ với nhiều chủ trương, giải pháp mạnh mẽ, đột phá. 15/15 chỉ tiêu chủ yếu của ngành giai đoạn 2016-2020 đều đạt và vượt mục tiêu đề ra, nổi bật là: Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành bình quân đạt 2,62%/năm; tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 190,5 tỷ USD, riêng năm 2020 đạt 41,25 tỷ USD; hết năm 2020 có 62% xã đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập của cư dân nông thôn năm 2020 đạt 43 triệu đồng/người...
Nhất trí cao với dự thảo các văn kiện, các quan điểm, mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ chủ yếu phát triển nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức về “Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế” đến các cấp, ngành, địa phương và người dân; thay đổi nhận thức và cách tiếp cận về sản xuất nông nghiệp hàng hóa trong điều kiện hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu.
Đồng thời, ngành Nông nghiệp sẽ thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại ngành; trong đó tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp hàng hóa và xây dựng nông thôn mới, nhất là cơ chế, chính sách về đất đai, tín dụng, đầu tư, bảo hiểm, hợp tác công - tư.
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân
Tham luận tại Đại hội, đại diện Ban Cán sự đảng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, bám sát mục tiêu và nhiệm vụ tổng quát cho giai đoạn 2016-2020 mà Đại hội XII của Đảng đề ra, Ban Cán sự đảng, ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, chủ động thực hiện nhiều giải pháp, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Nhìn lại giai đoạn 2016-2020, công tác điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng đã đạt được 6 thành tựu nổi bật. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ hiệu quả nhờ sự kiên định, chủ động, thận trọng và linh hoạt, từ đó góp phần kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4% theo đúng mục tiêu của Quốc hội đề ra, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối.
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, bối cảnh, tình hình nhiệm kỳ tới đòi hỏi quyết tâm cao, toàn hệ thống Ngân hàng sẽ tiếp tục phát huy các thành quả quan trọng đã đạt được và nhận thức rõ những thách thức đặt ra, tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ngành Ngân hàng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Trong quá trình đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Ngân hàng Nhà nước sẽ mở rộng tín dụng theo hướng tập trung vốn cho vay đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động.
Kinh tế tuần hoàn trở thành xu thế tất yếu
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhận định, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu thế tất yếu nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong bối cảnh tài nguyên ngày càng suy thoái, cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm, biến đổi khí hậu diễn biến khốc liệt.
Để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị, ngay từ những năm đầu của thập niên 2021-2030, cần tập trung triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam nhằm tận dụng những cơ hội hợp tác trong tiếp cận và tiếp nhận chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển bền vững đất nước. Trong đó, Nhà nước cần thực hiện tốt vai trò kiến tạo để doanh nghiệp, người dân phát huy vai trò trung tâm trong xây dựng, phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
Trước mắt, cụ thể hóa các quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, như: Quy định trách nhiệm cụ thể của nhà sản xuất trong việc thu hồi, tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ dựa trên số lượng sản phẩm bán ra trên thị trường; phát triển công nghiệp môi trường, thị trường hàng hóa và dịch vụ môi trường, sản phẩm thân thiện môi trường…; quản lý dự án theo vòng đời, thiết lập lộ trình xây dựng và áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường (phát thải và công nghệ) tương đương với nhóm các quốc gia tiên tiến trong khu vực.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị, cần chú trọng ngay từ khâu quy hoạch, kế hoạch, thiết kế sản xuất, thiết kế sản phẩm để tăng cường kết nối chuỗi sản xuất tuần hoàn; lựa chọn một số ngành, lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ thực hiện theo mô hình kinh tế tuần hoàn như: Công nghiệp giấy, sản xuất sắt, thép, nhiệt điện, quản lý nước theo chu trình. Phát triển các đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, trung tâm nhiệt điện theo mô hình tuần hoàn.
Đoàn kết một lòng dưới lá cờ vinh quang của Đảng
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các cấp công đoàn Việt Nam đã thường xuyên đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động, tích cực chăm lo xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế sâu rộng. Mô hình tổ chức bốn cấp, kết hợp giữa công đoàn ngành và công đoàn địa phương, phù hợp với thực tiễn Việt Nam đang phát huy hiệu quả. Số lượng đoàn viên tăng khá nhanh trong 5 năm qua, năm 2016, cả nước có 9,6 triệu đoàn viên, đến năm 2019, tăng lên 10,5 triệu đoàn viên. Công đoàn tiếp tục quan tâm công tác phát triển đảng viên, đề ra nhiều giải pháp phát triển đảng viên là công nhân trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước; giai đoạn 2016-2020, có trên 246.000 đoàn viên công đoàn ưu tú được kết nạp vào Đảng.
Đề xuất những giải pháp để tiếp tục tổ chức Công đoàn Việt Nam mãi mãi xứng đáng là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị tăng cường và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động công đoàn. Nhà nước tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về công đoàn, giai cấp công nhân, người lao động thành pháp luật; tạo hành lang pháp lý tốt nhất bảo vệ người lao động, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, phát huy hơn nữa vai trò của tổ chức Công đoàn và giai cấp công nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
“Với niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thành công của Đại hội, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam nguyện tiếp tục phát huy truyền thống, đoàn kết một lòng dưới lá cờ vinh quang của Đảng, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, cùng toàn dân, toàn quân thực hiện khát vọng dân tộc, đưa nước ta trở thành nước phát triển vào giữa thế kỷ XXI”, đồng chí Nguyễn Đình Khang nêu rõ.
Tăng cường phòng, chống tham nhũng gắn với kiểm soát quyền lực
Tham luận với chủ đề “Nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, tăng cường kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực”, đồng chí Mai Trực, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết, trong nhiệm kỳ vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ủy ban Kiểm tra các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với trên 15.000 tổ chức Đảng và trên 47.000 đảng viên (trong đó trên 23.000 là cấp ủy viên các cấp), giám sát trên 183.000 tổ chức Đảng và trên 528.000 đảng viên (trong đó trên 154.000 là cấp ủy viên các cấp); tập trung nhiều vào những điểm "nóng", những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, những vấn đề bức xúc mà dư luận quan tâm.
Trong đó, có nhiều việc mới, việc tồn tại đã lâu, rất khó khăn, phức tạp, nhạy cảm, liên quan nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương, gây bức xúc trong xã hội đã được phát hiện, làm rõ, kết luận và xử lý kỷ luật nghiêm minh nhiều tổ chức Đảng và đảng viên vi phạm. Ngành Kiểm tra Đảng đã quyết định kỷ luật và đề nghị cấp có thẩm quyền thi hành kỷ luật hơn 1.300 tổ chức Đảng và gần 70.000 đảng viên vi phạm, có cả những đồng chí giữ cương vị cao của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo chủ chốt các địa phương, đơn vị, sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang, đương chức hoặc đã nghỉ hưu... với tinh thần làm nghiêm từ trên xuống, không có "vùng cấm", không có ngoại lệ, nhưng cũng rất nhân văn, mục đích chính là làm cho tổ chức Đảng, đảng viên thấy được vi phạm, khuyết điểm của mình để sửa chữa, khắc phục.
Để góp phần tích cực hơn nữa vào việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra, đồng chí Mai Trực đề nghị tập trung nhận thức và thực hiện đồng bộ 5 nhiệm vụ chủ yếu trong công tác kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ tới. Trong đó, ngay sau Đại hội, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng phải bám sát nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng nói chung cũng như thực tiễn của từng địa phương, đơn vị; đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy đảng đối với công tác này; xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và các quy định về phòng chống tham nhũng, lãng phí gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực và kỷ luật của Đảng, kỷ luật hành chính, xử lý bằng pháp luật gắn với việc xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức để cán bộ, đảng viên "không thể tham nhũng", "không dám tham nhũng", “không cần tham nhũng”...
Kết thúc phiên làm việc chiều nay đã có 11 ý kiến tham luận. Như vậy, với tinh thần làm việc trí tuệ, dân chủ, tập trung và trách nhiệm cao, trong ngày làm việc thứ ba của Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng, 23 đại biểu đã phát biểu tham luận.
Ngày mai (28-1), Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục làm việc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.