TS. Lê Trường Tùng – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Đại học FPT - vừa khẳng định đơn vị này sẵn sàng bỏ ra 100 triệu đồng để mua 2 quả cầu (được cho là một phần của tên lửa đẩy đưa vệ tinh lên quỹ đạo) rơi ở Yên Bái và Tuyên Quang để trưng bày ở góc khoa học của trường.
| ||
Trước đó, hôm 2/1, quả cầu lạ bằng hợp kim đã rơi tại vườn nhà ông Lương Quang Thành ở xã Tân Đồng (Trấn Yên, Yên Bái). Quả cầu này màu xám rỗng, đường kính khoảng 25 cm, nặng 6 kg và có van. Cùng ngày, một quả cầu khác có kích thước lớn hơn (đường kính 70cm, nặng 35kg) đã rơi ở xã Tân Mỹ (Chiêm Hóa, Tuyên Quang).
Đáng chú ý, quả cầu rơi tại Tuyên Quang có chữ tiếng Nga trên thân vỏ. Phó chỉ huy trưởng, tham mưu trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Tuyên Quang Trần Văn Du cho biết, khối cầu rơi tại xã Tân Mỹ, Chiêm Hóa, Tuyên Quang không phải là vật liệu nổ, cũng không phải bom mìn.Quả cầu này ngay sau đó đã được đưa về bãi hủy của kho K28 để cơ quan chức năng điều tra.
Liên quan vụ việc quả cầu lạ rơi xuống hai địa điểm trên, ông Vũ Trọng Thư - nguyên Trưởng phòng nghiên cứu không gian Fspace (Đại học FPT) - cho rằng, hai quả cầu là một phần của tên lửa đẩy vệ tinh. Thông thường các thành phần này sẽ cháy hết toàn bộ khi tên lửa hoàn thành nhiệm vụ. Trường hợp rơi xuống thì các nhà khoa học tính toán rơi ở nơi không có cư dân sinh sống.
Tuy nhiên, nếu không may gây ra thiệt hại dưới đất thì trách nhiệm thuộc về nước phóng tên lửa. Trong lịch sử đã có tiền lệ, ngày 24/1/1978 vệ tinh Kosmos 954 do Liên Xô phóng bị rơi xuống miền Bắc Canada gây ra một thảm họa môi trường vì trên vệ tinh có 1 lò phản ứng hạt nhân nhỏ chứa 50kg U-235. Canada đòi Liên Xô phải trả 6 triệu đô Canada chi phí dọn rác nhưng cuối cùng Liên Xô chỉ trả 3 triệu đô Canada.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.