(HNM) - Tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tư tưởng cơ bản, nhất quán và xuyên suốt. Ngay trong Tuyên ngôn Độc lập đọc trước quốc dân và tuyên bố với thế giới, tinh thần đoàn kết của nhân dân Việt Nam chống giặc ngoại xâm cũng đã được Bác khẳng định rõ:
Quốc dân đại hội họp ở Tân Trào để thông qua những quyết sách lớn là minh chứng rõ nét thể hiện tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Ảnh tư liệu |
Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại đoàn kết toàn dân tộc là vấn đề quyết định sự thành công của cách mạng. Đảng lãnh đạo nhân dân làm cách mạng nhưng cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân đông đảo, không phải là công việc của một số người, của riêng Đảng cộng sản. Đảng lãnh đạo để nhân dân đứng lên đấu tranh tự giải phóng và xây dựng xã hội mới do mình làm chủ. Sự nghiệp ấy chỉ có thể được thực hiện bằng sức mạnh của cả dân tộc, bằng đại đoàn kết dân tộc: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công". Theo quan điểm của Người, đại đoàn kết dân tộc là một trong những nhân tố quan trọng nhất bảo đảm thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Đại đoàn kết trở thành cội nguồn thắng lợi của cách mạng Việt Nam, gắn với tên tuổi và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay trong Cách mạng Tháng Tám cách đây 70 năm, bài học vô cùng quý báu về sự thành công đó là cách mạng là sự nghiệp của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Để lãnh đạo cách mạng thành công, Đảng dựa vào nhân dân, vì nhân dân mà chiến đấu và phục vụ, luôn luôn gắn bó với nhân dân, phát huy cao độ sức mạnh của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định quyết tâm của cả dân tộc: "Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập" và Người đã ra lời kêu gọi: "Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta". Lúc phát động Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, Đảng chỉ có khoảng 5.000 đảng viên, một con số rất nhỏ bé so với tổng số dân nước ta lúc đó là vào khoảng 20 triệu người. Nhưng, Đảng ta là một Đảng tiên phong cách mạng, có đường lối đúng đắn, phương pháp, hình thức đấu tranh phong phú, linh hoạt, kịp thời nắm bắt thời cơ, xây dựng và tổ chức, sử dụng lực lượng đúng lúc, cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu cho nên đã động viên nhân dân cả nước vùng lên. Từ thành công cuộc cách mạng giành chính quyền tại Hà Nội sáng 19-8-1945, chỉ trong vòng nửa tháng đã xác lập chính quyền nhân dân trong cả nước.
Bài học về sức mạnh to lớn của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng có ý nghĩa sâu sắc không chỉ đối với Cách mạng Tháng Tám 1945, mà trong suốt quá trình đấu tranh bảo vệ nền độc lập và thống nhất Tổ quốc sau đó, cũng như tiến hành sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Bước vào cuộc kháng chiến 9 năm (1945-1954), trong những ngày đầu vô cùng khó khăn của đất nước với tình thế "ngàn cân treo sợi tóc" (từ tháng 9-1945 đến tháng 12-1946), một lần nữa các tầng lớp, giai cấp, dân tộc được tập hợp trong Mặt trận Việt Minh dưới sự lãnh đạo của Đảng và Hồ Chủ tịch đã từng bước khắc phục nguy cơ của nạn đói, hậu quả của nạn dốt, sự thiếu hụt của ngân sách và sự non yếu của chính quyền cách mạng để đưa cả dân tộc vững vàng đối diện với họa xâm lăng lần thứ hai của thực dân Pháp. Và biểu tượng hùng hồn, bất diệt của khối đại đoàn kết toàn dân tộc được thể hiện sinh động trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Để làm nên chiến thắng "chấn động địa cầu" này, hàng trăm nghìn con người đã tham gia từ trực tiếp đến gián tiếp vào công tác chuẩn bị, hậu cần phục vụ cho chiến dịch. Để bảo đảm đánh thắng địch tại chiến trường, trong chiến dịch, ta đã huy động 26 vạn dân công từ các dân tộc Tây Bắc, Việt Bắc, Liên khu 3, 4...; 20.911 xe đạp thồ; 11.800 bè mảng, 25.000 tấn lương thực...
Trong cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước, Hồ Chí Minh đã giương cao ngọn cờ "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" và chiến lược đại đoàn kết dân tộc để đẩy mạnh cuộc cách mạng ở miền Nam, thống nhất đất nước. Đại tướng Lê Văn Dũng, nguyên Bí thư TƯ Đảng, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đã nhận định: "Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là một bức tranh đại đoàn kết dân tộc rất sinh động. Toàn thể dân tộc Việt Nam đã kết thành một khối vững chắc không gì có thể phá vỡ nổi; trong đó, Đảng, lực lượng vũ trang và toàn thể nhân dân luôn đoàn kết, gắn bó máu thịt với nhau. Đảng tin vào dân, dân tin vào Đảng; quân với dân một ý chí, cả nước đồng lòng, toàn dân ra trận, tất cả vì mục tiêu quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược". Tinh thần đoàn kết của quân dân hai miền Nam - Bắc đã đánh bại các chiến lược: "Chiến tranh đặc biệt", "Chiến tranh cục bộ", "Việt Nam hóa chiến tranh" của đế quốc Mỹ. Đặc biệt, nhờ chuẩn bị tốt lực lượng, nhằm đúng thời cơ, cùng với việc liên tiếp giành thắng lợi lớn trên chiến trường, quân và dân ta đánh thắng cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B-52 của Mỹ năm 1972, làm nên chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" thay đổi cục diện chiến trường, cục diện chiến tranh. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 với sức mạnh áp đảo về chính trị và quân sự, quân và dân ta đã giành được toàn thắng, kết thúc 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.
Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và sự đoàn kết nhất trí, nỗ lực phấn đấu của toàn dân, toàn quân, chúng ta đã tập trung sức khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, phá thế bao vây cấm vận, anh dũng kiên cường chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, biên giới phía Tây nam, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng và tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, trải qua 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, phải vượt qua biết bao khó khăn thử thách, dù trong hoàn cảnh thời cơ và nguy cơ đan xen nhau, có lúc nguy cơ lấn át cả thời cơ, công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, được sự đồng lòng của nhân dân đã giành được những thắng lợi to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Nước ta đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, công nghiệp và dịch vụ đã chiếm 83% trong tổng GDP. Quy mô và tiềm lực của nền kinh tế không ngừng tăng lên; GDP gấp gần 7 lần và kim ngạch xuất khẩu tăng gấp hơn 200 lần. GDP bình quân đầu người năm 2015 đạt khoảng 2.200 USD. Tuổi thọ trung bình tăng từ 64,8 tuổi năm 1986 lên khoảng 73,5 tuổi năm 2015. Đã hoàn thành trước thời hạn nhiều mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc. Quốc phòng an ninh được tăng cường, chủ quyền quốc gia được giữ vững. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được chủ động đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả tích cực. Đến nay, nước ta đã có quan hệ ngoại giao, thương mại và đầu tư với hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; hiện có hơn 18.200 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đăng ký 256 tỷ USD. Vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố, tăng cường và cũng nhờ vậy mà những chủ trương đúng đắn của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống hiệu quả. Trong những năm vừa qua, trước tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, chúng ta đã thực hiện được mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý và bảo đảm an sinh xã hội.
Tiếp tục phát huy tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khơi nguồn và phát triển sức mạnh dân tộc và trí tuệ của con người Việt Nam đến đỉnh cao, tất cả vì độc lập của Tổ quốc, tự do, hạnh phúc của toàn dân là nhiệm vụ quan trọng luôn đặt ra đối với hệ thống chính trị nước ta.
"Thực tiễn đã cho phép chúng ta rút ra một bài học sâu sắc mang tính quy luật là: Bất cứ công việc gì, dù lớn hay nhỏ, muốn thực hiện thành công, nhất thiết phải có sự đoàn kết, có sự đồng tâm hiệp lực, nội bộ nhất trí, xã hội đồng thuận; cách mạng muốn tiến lên càng phải xây dựng được khối đại đoàn kết vững chắc. Lúc này, chúng ta tiến hành đẩy mạnh công cuộc đổi mới, CNH, HĐH, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh có nhiều thuận lợi, song cũng có không ít khó khăn, thách thức do đây là một sự nghiệp mới mẻ, chưa có tiền lệ, làm đảo lộn nhiều nếp nghĩ, nếp sống, cách làm, lại có sự chống phá quyết liệt dưới nhiều hình thức của các thế lực thù địch. Vì vậy, hơn bao giờ hết, chúng ta lại càng phải tăng cường sự đoàn kết, nhất trí, phát huy sức mạnh của toàn dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng". (Trích phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VIII). |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.