(HNMCT) - Bò Krông Pa; Heo sọc dưa; Kan om; Hla blang, krong phi... là những món đặc sản của phố núi Gia Lai.
Bò Krông Pa
Bò Krông Pa là đặc sản nổi tiếng của Gia Lai, còn được gọi một cách dân dã là “bò một nắng” để chỉ cách thịt bò tươi được phơi khoảng 6 - 7 giờ dưới nắng trước khi đem chế biến. Để làm món bò một nắng chuẩn vị, người ta phải chọn loại bò tơ được chăn thả tự nhiên trên các triền núi, mé sông và chỉ chọn một phần thịt đùi, thịt thăn để chế biến. Thịt được thái thành những lát vừa phải, ướp cho thấm các loại gia vị như muối, đường, bột ngọt, hạt nêm, sả, ớt khô giã nhỏ rồi phơi nắng. Khi ăn, người ta nướng miếng thịt trên lửa than, giở liên tục cho thịt chín đều, se khô và hơi rám hai mặt. Thịt bò một nắng sẽ ngon hơn khi chấm với muối kiến được lấy từ tổ kiến trên rừng về, làm sạch, phơi khô và giã nhuyễn cùng muối hạt, ớt chỉ thiên, lá theng leng... tạo nên vị chua cay hấp dẫn.
Heo sọc dưa
Heo sọc dưa có nguồn gốc từ giống heo rừng được thuần hóa và nuôi trong gia đình nhưng vẫn thả rông theo tập quán chăn nuôi của người Jrai và Bahnar. Vì thế, thịt heo sọc dưa thường chắc, dai, thơm hơn thịt heo thông thường. Có nhiều cách chế biến thịt heo sọc dưa, đặc biệt là món “heo mẹt” với các cách chế biến như nướng, hấp, xào măng... Dưới bàn tay khéo léo của các đầu bếp bản địa, mỗi món được xếp ở một góc riêng cùng các loại rau củ trên một chiếc mẹt tre lót lá chuối.
Kan om
Kan om - cá nướng, là món ăn tiêu biểu trong văn hóa ẩm thực của người Tây Nguyên ở Gia Lai. Người ta bắt các loại cá sông, suối, làm sạch rồi kẹp vào nẹp tre và nướng trên than hồng cho đến khi da cá chín giòn, vàng ruộm, thịt cá nứt trắng phau, hương thơm nức mũi. Khi ăn, người ta gỡ từng miếng và chấm với muối ớt lá é hay muối ớt kiến vàng. Vị ngọt tự nhiên của cá tươi hòa quyện với vị mặn của muối, vị chua của kiến vàng, vị cay của ớt cùng vị hăng nồng của lá é sẽ giúp thực khách cảm nhận hương vị dân dã của núi rừng.
Hla blang, krong phi
Hla blang (lá mỳ - tức lá sắn), krong phi (cà đắng) là món ăn phổ biến của người Jrai và Bahnar ở Tây Nguyên. Cách chế biến món này khá đơn giản. Người ta lấy lá mỳ non bỏ cuống, giã nhỏ và vò bằng tay thật nhuyễn, sau đó luộc kỹ với cà đắng để loại bỏ độc tố trong lá mỳ. Tiếp đó, người ta bỏ lá mỳ, cà đắng vào xào trên dầu/ mỡ nóng cùng ớt xanh. Nhiều người nấu lá mỳ, cà đắng với cá khô hoặc ruột non của trâu, bò hoặc muối dưa để dùng được lâu hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.