(HNMCT) - Gần đây, Gia Lai nổi lên như là một trong những điểm đến mới, hấp dẫn hàng đầu tại khu vực Tây Nguyên. Tuy nhiên, nhiều người ví tài nguyên du lịch Gia Lai như viên ngọc thô bị những lớp bụi che mờ, vì thế cần được mài giũa để tỏa sáng...
“Viên ngọc thô” ẩn giấu
Gia Lai có nhiều thắng cảnh, nổi tiếng nhất là Biển Hồ được mệnh danh là “Đôi mắt Pleiku”. Đây là danh lam thắng cảnh duy nhất ở Gia Lai được xếp hạng Di tích danh thắng cấp quốc gia và được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận nằm trong Top 5 hồ tự nhiên, đẹp và thơ mộng (năm 2014). Gần đây, giới trẻ truyền tai nhau về vẻ đẹp hùng vĩ, độc đáo hiếm có của thác K50 nằm trong vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng vừa được UNESCO công nhận vào tháng 9-2021, nơi du khách có thể trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị như trekking, cắm trại, chèo thuyền sup...
Đến Gia Lai, du khách không thể bỏ qua khung cảnh độc đáo được hình thành từ hàng triệu năm trước, đó là quần thể đá cổ H’chan (huyện Mang Yang) nằm trong khu vực hạ lưu dòng sông Ayun. Du khách không khỏi ngỡ ngàng khi tận mắt thấy những khối đá đen xếp lớp cạnh nhau, trải dài hàng trăm mét, tạo nên một cảnh tượng đẹp đến nao lòng. Tương tự là vẻ đẹp của suối đá cổ làng Vân (huyện Chư Păh), nhìn từ trên cao, con suối này trông như một tổ ong khổng lồ đầy thú vị.
Du lịch Gia Lai còn là nơi lý tưởng để du khách trải nghiệm Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận, được hòa mình vào âm thanh phóng khoáng của núi rừng, giữa buôn làng, bên lửa trại và rượu cần. Để trải nghiệm di sản này, du khách có thể tới làng kháng chiến Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang), làng Kép (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh), làng Ốp (thành phố Pleiku)... Ngoài ra, Gia Lai còn là vùng đất của nhiều lễ hội đặc sắc như lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui, lễ bỏ mả, lễ đâm trâu, lễ cúng bến nước... Với nguồn tài nguyên du lịch phong phú, Gia Lai mang lại cho du khách cảm giác bình yên với những trải nghiệm văn hóa bản địa đặc
sắc cùng con người thân thiện, hiếu khách.
“Mài giũa” để “ngọc” sáng
Là địa phương đi sau về phát triển du lịch, lại là “vùng trũng” với nhiều khó khăn, hạn chế về nguồn nhân lực, hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông nên du lịch Gia Lai chưa thể phát triển tương xứng với tiềm năng. Theo Giám đốc điều hành Công ty TNHH Family tour Việt Nam Nguyễn Đức Thành, Gia Lai cần hoạch định chiến lược, chính sách phát triển một cách tổng thể và có những bước đi cụ thể. Trước mắt, tỉnh cần ưu tiên đầu tư cho hệ thống cơ sở hạ tầng, đường sá nhằm thu hút nhà đầu tư; đẩy mạnh công tác quảng bá, truyền thông để ngày càng được nhiều người biết đến. “Viên ngọc quý này nếu không được đánh bóng sẽ mãi ở dạng thô, gây lãng phí tiềm năng và kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương” - ông Thành bày tỏ.
Vietsense Travel là một doanh nghiệp thường xuyên đưa khách đến Gia Lai nhưng gặp không ít khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin. Nói về vấn đề này, CEO Vietsense Travel Nguyễn Văn Tài cho biết: “Khi tìm thông tin về các điểm đến, văn hóa, ẩm thực của Gia Lai để xây dựng, quảng bá sản phẩm tới du khách, chúng tôi phải vất vả tra cứu nhưng thông tin đăng tải trên website du lịch của tỉnh rất sơ sài. Gia Lai cần tập trung xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, quy hoạch lại hệ thống điểm đến, đầu tư tài chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đẩy mạnh hơn nữa công tác xúc tiến, quảng bá”. Lấy ví dụ thực tế từ cách làm của Indonesia khi đào tạo để người dân trực tiếp quay clip, chụp ảnh phục vụ khách một cách chuyên nghiệp, ông Tài cho rằng đấy không chỉ là cách để làm du khách hài lòng mà còn là cách quảng bá điểm đến hiệu quả, tốn ít chi phí.
Đề cập đến việc Gia Lai cần chọn ra những mô hình điểm nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản song song với phát triển du lịch, Giám đốc Công ty Fivestar Travel Lương Duy Doanh hiến kế: “Để sản phẩm du lịch không đơn điệu, trùng lặp với các địa phương khác, Gia Lai cần khai thác yếu tố văn hóa bản địa như chèo thuyền độc mộc trên Biển Hồ; tái hiện hoạt động văn hóa cồng chiêng, giới thiệu phong tục và văn hóa ẩm thực trong nhà rông... nhằm đa dạng hóa trải nghiệm, góp phần tăng thời gian lưu trú và mức chi tiêu của du khách”.
Bày tỏ sự trăn trở về khó khăn trong việc giữ sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai chia sẻ: “Chúng tôi luôn cân nhắc trước mâu thuẫn giữa bảo tồn bản sắc và phát triển du lịch. Nếu nôn nóng và không chuẩn bị kỹ, chúng tôi có thể sẽ phải trả giá đắt khi làm mất đi bản sắc văn hóa và phá vỡ nguồn tài nguyên du lịch. Nhưng nếu không dám phát triển thì sẽ không thể biến tiềm năng trở thành động lực phát triển kinh tế. Vì thế, muốn phát triển du lịch bền vững phải tập trung vào con người, trong đó người dân là người trực tiếp bảo vệ di sản và là “sứ giả” kết nối điểm đến với du khách. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung nguồn lực vào văn hóa, con người và tài nguyên thiên nhiên để Gia Lai trở thành một điểm đến hấp dẫn, bền vững”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.