Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đà Nẵng tăng chất lượng thu hút đầu tư

Xuân Sơn| 05/06/2023 07:22

(HNM) - Công nghiệp công nghệ cao là một trong ba trụ cột trong định hướng phát triển kinh tế của Đà Nẵng cùng với du lịch và kinh tế biển. Chính quyền thành phố đang xây dựng môi trường thuận lợi thu hút nhà đầu tư.

Sản xuất thiết bị điện tử tại Công ty CP Trung Nam Electronic Manufacturing Services, Khu công nghệ cao Đà Nẵng. Ảnh: Mai Quế

Tạo môi trường thuận lợi

Theo UBND thành phố Đà Nẵng, trong định hướng quy hoạch đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050, địa phương xác định mục tiêu xây dựng môi trường thu hút đầu tư và phát triển các mảng phù hợp như: Công nghệ thông tin, truyền thông, công nghệ sinh học, công nghệ vi điện tử, cơ - điện tử, cơ khí chính xác, công nghệ môi trường, công nghệ nano..., trở thành trung tâm kinh tế, xã hội của khu vực.

Khu công nghệ cao Đà Nẵng là một trong ba khu công nghệ cao cấp quốc gia và là khu công nghệ cao duy nhất tại miền Trung - Tây Nguyên. Hạ tầng khu công nghệ cao này đã được hoàn thiện qua 3 giai đoạn và đang phấn đấu tỷ lệ đóng góp đạt tối thiểu 10-15% vào GRDP địa phương trong giai đoạn 2025-2030. Đà Nẵng cũng đã chuẩn bị cơ sở hạ tầng xã hội cấp đô thị tại 3 khu công nghiệp khác để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Mới đây, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư thành phố Đà Nẵng, Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cùng Công ty cổ phần Long Hậu vừa tổ chức ký kết biên bản hợp tác. Trong đó, Công ty cổ phần Long Hậu là đơn vị cung ứng hạ tầng nhà xưởng phục vụ công nghiệp công nghệ cao và phụ trợ công nghệ cao với quy mô 29,6ha tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang).

Ông Bùi Lê Anh Hiếu, Giám đốc Tiếp thị kinh doanh Công ty cổ phần Long Hậu cho biết, đã có 2 nhà đầu tư từ Nhật Bản lựa chọn thuê và hoạt động thực tế tại nhà xưởng nói trên. Còn theo ông Vũ Quang Hùng, Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, ngoài việc áp dụng các chính sách theo quy định của Trung ương, Đà Nẵng có chính sách ưu đãi riêng cho nhà đầu tư. Đơn cử, tất cả doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghệ cao được miễn thuế 4 năm đầu tiên và được giảm 50% thuế trong 9 năm tiếp theo; hưởng thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm. Đặc biệt là miễn hoàn toàn thuế nhập khẩu máy móc, hàng hóa, thiết bị hình thành nhà xưởng... Thành phố cũng đã kết nối với Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) đào tạo nhân lực chất lượng cao cho các nhà đầu tư.

Theo thống kê của ban quản lý, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin và các khu công nghiệp thu hút được tổng cộng 516 dự án đầu tư từ trước đến nay, trong đó có 391 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 31.614,8 tỷ đồng và 125 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 1.889 triệu USD (chiếm 46,5% tổng vốn FDI thu hút vào thành phố Đà Nẵng). Đà Nẵng hiện có 984 dự án FDI với tổng vốn đầu tư trên 4 tỷ USD.

Gỡ khó để phát triển

Tính đến hết quý I-2023, Khu công nghệ cao Đà Nẵng đã thu hút 29 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 905 triệu USD. Trong đó, khu vực sản xuất công nghệ cao đạt tỷ lệ lấp đầy 55%. Nhưng mới chỉ 8 dự án được triển khai và đi vào hoạt động, còn lại 21 dự án đang bị chậm tiến độ hoặc chưa triển khai do nhiều yếu tố. Đáng chú ý trong số đó là chính sách hấp dẫn; logistics thuận lợi và nguồn nhân lực dồi dào.

Để gỡ vướng, Luật sư Nguyễn Thanh Hòa, Phó Tổng Giám đốc Công ty Luật KPMG (đơn vị tư vấn thu hút đầu tư vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng) đề xuất, tỷ lệ đầu tư nước ngoài vào khu vực miền Trung - Tây Nguyên khá hạn chế, nhất là với khu công nghệ cao trẻ. Vì thế, thay vì “đi một mình”, Đà Nẵng nên cùng những tỉnh, thành phố lân cận và trên cả nước cần phối hợp xây dựng chính sách thu hút đầu tư công nghệ cao. Chính quyền thành phố nên có những hướng tiếp cận, tổ chức xúc tiến đầu tư với đội ngũ nhà đầu tư nước ngoài ở hai miền Nam - Bắc...

Từ góc nhìn quốc tế, ông Buerstedde Peter, Giám đốc Tổ chức Thương mại và Đầu tư của Đức tại Việt Nam gợi ý, bên cạnh phát triển quỹ đất phục vụ cho phát triển công nghiệp công nghệ cao thì Đà Nẵng cần có phương án tăng cường kết nối, vận chuyển hàng hóa để phát triển ngành logistics khi Cảng Liên Chiểu được triển khai.

Cũng nói về logistics, bà Huỳnh Liên Phương, Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng, nhìn nhận bên cạnh phát triển hạ tầng, thành phố cũng cần tập trung phát triển công tác đào tạo nhân lực nhiều hơn. Theo đó, ngoài Trường Đại học Bách khoa, thành phố cần chú trọng mở rộng việc hợp tác với các cơ sở đào tạo chất lượng cao khác để đào tạo nguồn nhân lực; có chính sách thu hút nhân sự có trình độ, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các nhà đầu tư công nghệ cao.

Ông Vũ Quang Hùng, Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cho biết, đã ghi nhận các ý kiến đóng góp tâm huyết nêu trên. Cùng với đó, Ban quản lý cũng triển khai và tham mưu cấp có thẩm quyền nhiều giải pháp. Trước mắt, ngay trong năm 2023,  sẽ phối hợp với các bên để gỡ vướng về mặt bằng, từ đó triển khai thêm từ 3 đến 4 dự án nữa trong Khu công nghệ cao của Đà Nẵng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng tăng chất lượng thu hút đầu tư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.