Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đã đến lúc phải chuyển

Nguyễn Triều| 24/01/2011 06:48

(HNM)- Đại hội XI của Đảng đã khẳng định quyết tâm đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020. Quyết tâm rất lớn vì đó là mục tiêu Đại hội XI của Đảng đã đề ra; là sứ mệnh lịch sử dân tộc trao cho Đảng và những thế hệ hôm nay.


Để hoàn thành sứ mệnh lịch sử đó, đất nước chỉ có thể vươn lên bằng nguồn lực của chính chúng ta, bằng ý chí Việt Nam và tinh thần Đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhưng để thực hiện được quyết tâm đó của Đảng còn phải vượt qua rất nhiều trở ngại. Một trong những trở ngại đầu tiên và khó vượt qua nhất chính là tư tưởng chờ đợi chỉ thị, thói quen ỷ lại cấp trên đang ngự trị trong tâm lý, suy nghĩ của đại đa số lãnh đạo cơ sở.

Điều đầu tiên được nghe họ nói là khó khăn. Nông dân khó khăn vì thời tiết, giống má; công nhân khó khăn vì nguyên liệu, giá điện; thương nhân khó khăn vì giá cả, hàng họ khan hiếm; ngân hàng khó khăn vì tỷ giá biến động; nhà trường khó khăn vì thiếu cơ sở vật chất; bệnh viện khó khăn vì quá tải; bệnh nhân khó khăn vì viện phí tăng cao…

Toàn những khó khăn bất khả kháng.

Sau những khó khăn bất tận đó là những đề nghị mong được giúp đỡ.

Các làng nghề mải phát triển, không quan tâm tới môi trường cho tới lúc không chỉ con cái họ, mà ngay cả họ cũng không thể sống nổi trong môi trường quá ô nhiễm do chính họ tạo ra, thì mong được cấp trên quan tâm, giúp đỡ giải quyết. Cả một khu công nghiệp lớn quy hoạch không nghiêm túc, mải chạy theo lợi nhuận trước mắt, bỏ qua những quy định của Chính phủ, để rồi mất thị trường, công nhân thiếu việc làm, nguy cơ phá sản trước mắt, thay vì tìm hiểu nguyên nhân, lãnh đạo cũng đưa ra một ý kiến rất đơn giản - mong được cấp trên quan tâm giúp đỡ để người lao động thoát khỏi tình cảnh…

Hội chứng "khó khăn" và "mong cấp trên quan tâm giúp đỡ" lan rộng nhiều nơi.

Tại sao động một tý, thậm chí chưa động tý gì, người ta đã kêu khó? Tại sao việc của mình, do mình sinh ra, mà cứ nhất định mong chờ cấp trên giải quyết?

Thực ra nguyên nhân không gì khó hiểu. Đó là thói quen ỷ lại và trốn trách nhiệm.

Còn tại sao cứ mong trên giúp? Thì mỗi khi khó khăn ai cũng mong chờ trên quan tâm, giúp đỡ. Vả lại con có khóc mẹ mới cho bú…

Đã đến lúc cấp dưới phải chuyển, tức là phải biết tự lực, biết chủ động giải quyết những vấn đề của riêng mình. Nhưng để cho dưới chuyển, trên cần có những hành động thiết thực để dưới biết rằng những thời kỳ "vô tội là có công" đang chấm dứt.

Các cấp lãnh đạo đều phải chuyển, tư duy của mỗi người dân cũng phải chuyển. Có như vậy, chúng ta mới có thể chủ động giải quyết những vấn đề bức xúc từ thực tế, góp phần xây dựng Việt Nam thành một nước công nghiệp trong những năm tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đã đến lúc phải chuyển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.