(HNM) - Như nhận xét của Trung tâm Ngôn ngữ văn hóa Đông Tây, ký sự về nước Nga của TS ngữ văn, nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng giống như almanach về cuộc sống của người Việt tại Nga trong suốt một phần ba thế kỷ. Một bức tranh đa sắc, chân thực khiến người đọc ngoảnh nhìn quá khứ, có thêm động lực bước tới tương lai…
Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng (có vẻ như ông thích dùng danh xưng này hơn cả) từng có tập truyện ký "Nước Nga thời mở cửa" đoạt giải nhì (không có giải nhất) cuộc thi viết của Báo Văn nghệ Trẻ từ năm 1998. Ông cũng là người tổ chức việc dịch và xuất bản cuốn nhật ký Đặng Thùy Trâm sang tiếng Nga (vừa ra mắt tại Hà Nội vào tháng trước).
"Đếm bước cuộc hành trình" được coi là sự tiếp nối tập truyện ký thành công nói trên. Tác phẩm gồm hơn 20 bài viết, tái hiện sinh động cuộc sống nước Nga và người Việt ở Nga từ cuối những năm 1990 tới đầu thế kỷ XXI. Đó còn là câu chuyện của văn nghệ sĩ ta trên đất Nga, dưới mái nhà chung Hội Văn nghệ. "Gối đầu qua hai thế kỷ, chưa bao giờ Hội có lấy một góc phòng, một chiếc ghế… chưa từng sở hữu một thứ vật dụng đáng giá như máy fax, bộ vi tính, thế mà vẫn sòn sòn cho ra tác phẩm như một chị nông dân mắn đẻ".
Dưới ngòi bút của ông, biết bao chuyện đời của trí thức, người lao động Việt Nam hiện lên như một bộ phim tài liệu giàu cảm xúc. Riêng ký sự về những "Ốp" (ký túc xá) người Việt có thể là cứ liệu phong phú cho những nhà làm điện ảnh quan tâm đến mảng đề tài này. Rồi chuyện làm "ô sin", chuyện dịch vụ ở Nga… đều nóng bỏng vấn đề xã hội. Những "Đêm nằm, năm ở giữa thủ đô Nga", "Nỗi khổ này đâu chỉ riêng Văn Giá"… lại giống như một thứ cẩm nang thiết thực. Thẳng thắn khi chỉ ra những thói xấu của một bộ phận người Việt ở Nga nhưng tác giả cũng thể hiện sự cảm thông sâu sắc đối với họ. Không ngần ngại phê phán sự lũng đoạn của một bộ phận công quyền của nước Nga, nhưng ngòi bút Nguyễn Huy Hoàng cũng khiến người đọc rơi nước mắt trước tấm lòng của những bà mẹ xứ sở Bạch dương đầy nhân hậu.
Chọn lối viết ký sự, với chất giọng hài hước, tự trào… hơn 300 trang "Đếm bước cuộc hành trình" trở nên rất dễ đọc. Tuy nhiên, có lẽ tác phẩm này khác với phần nhiều ký sự xuất hiện rôm rả những năm gần đây. Đa phần tác giả của những ký sự này là những người viết trẻ, cái nhìn đầy khám phá, mới mẻ, hào hứng… Còn đọc ký sự của nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng dễ nhận thấy phía sau cái dí dỏm, tự trào kia là cả một thực tế ăm ắp qua mấy chục năm lăn lộn với nước Nga. Bên những trải nghiệm chung với thời cuộc còn có những trải nghiệm riêng đau đớn của người viết mà không phải bạn đọc nào cũng có thể thấu hiểu.
Cho nên, đọc tác phẩm này cũng giống như đối thoại với một trí thức có trách nhiệm, nhân hậu và giàu nghị lực. Và người đọc có thể tự vấn, nghĩ nhiều hơn về một giai đoạn hội nhập, hợp tác mới của người Việt trong tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.