(HNMO) - Tháng 12 là dịp mua sắm cuối năm, các doanh nghiệp kinh doanh tổ chức các hoạt động khuyến mại trực tiếp bằng cách giảm giá hàng bán, đồng thời, chuẩn bị hàng hóa phong phú, đa dạng để người dân có thêm cơ hội lựa chọn.
Ghi nhận của Bộ Công thương cho biết, thị trường mua bán hàng hoá nhộn nhịp hơn mặc dù sức mua vẫn còn yếu: tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội tháng 12 ước đạt 231,1 nghìn tỷ đồng, tăng 1,8% so với tháng 11 và tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2012.
Tính chung 12 tháng tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ ước đạt 2.617,9 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ (loại trừ yếu tố giá tăng 5,6%). Xét theo thành phần kinh tế, so với cùng kỳ năm 2012, khu vực kinh tế nhà nước chiếm 9,9% và ước giảm 8,6%; kinh tế ngoài nhà nước chiếm 86,7%, ước tăng 15,3%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 3,4%, ước tăng 32,8%.
Theo Bộ Công thương, chương trình bình ổn giá thực sự trở thành công cụ điều tiết giá một cách hữu hiệu, khẳng định được vai trò định hướng giá các mặt hàng thiết yếu, góp phần kiểm soát, hạn chế được hiện tượng đầu cơ, tăng giá đột biến và bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2013 tăng 0,51% so với tháng trước và tăng 6,04% so với tháng 12/2012, đây là năm có chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2013 tăng 6,6% so với bình quân năm 2012.
Nhìn chung, thị trường trong nước năm 2013 giữ được tăng trưởng, cung - cầu các hàng hoá thiết yếu được đảm bảo. Nhiều hoạt động xúc tiến thương mại trong nước được triển khai cùng với việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã từng bước tiếp tục tạo nên sự thay đổi trong nhận thức của người tiêu dùng về hàng Việt Nam.
Bên cạnh đó, công tác kiểm soát thị trường trong nước đã được tăng cường góp phần ngăn chặn các hoạt động gian lận thương mại trên thị trường cũng như các yếu tố tiêu cực tiềm ẩn. Tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, các hành vi vi phạm pháp luật trong kinh doanh ngày càng giảm.
Trong dịp Tết nguyễn đán sắp tới, Bộ Công thương cho biết sẽ theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá nhằm bình ổn thị trường; đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu thụ cao trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Ngọ. Bên cạnh đó là thực hiện các chính sách hỗ trợ đưa hàng hóa về khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo phục vụ tốt nhu cầu mua sắm trong dịp tết của bà con.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.