(HNM) - Những ngày cuối cùng của năm 2011 đang dần trôi, "khủng hoảng nợ" có lẽ là cụm từ được nhắc đến nhiều nhất và gây sợ hãi tới mức chẳng ai muốn phải nghe thấy thêm một lần. Nhưng sự nguy hiểm của "đại dịch" có nguồn gốc từ Châu Âu khiến nó không thể lãng quên.
Từ trung tâm của cơn bạo bệnh tài chính chưa từng có trong lịch sử, những thông tin không vui tiếp tục bao trùm mùa Giáng sinh đã về trên Cựu lục địa.
Không chỉ nói suông, sau tuyên bố hạ hai bậc tín nhiệm của Bỉ xuống Aa3, nhà xếp hạng Moody's ngay lập tức có động thái tương tự với Slovenia, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão nợ công. Mức tín nhiệm A1 mà quốc gia này vừa "lĩnh" như cảnh báo trước đó cho thấy "cuộc càn quét" của các hãng xếp hạng tại Lục địa già rất có thể sẽ tiếp tục chạm tới từng mắt xích yếu của châu lục này. Bất chấp những lời phàn nàn rằng dường như nhà xếp hạng đã quá khắt khe, theo chân Moody's, lần lượt S&P rồi Fitch đưa ra những cảnh báo khẳng định triển vọng mong manh về một giải pháp toàn diện hóa giải cuộc khủng hoảng đang làm mưa làm gió trong Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone). Như thế, niềm hy vọng sớm thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ công và hỗn loạn tài chính của Châu Âu xem ra thật khó đến trong những ngày tới.
Ngay cả các chuyên gia về Châu Âu cũng bắt đầu nhìn thẳng vào sự thật từng được bóng gió trước đó là nền kinh tế Eurozone có thể sẽ rơi trở lại suy thoái sâu vào đầu năm 2012. Bị thử thách bởi cơn nguy kịch của Hy Lạp kéo dài cùng những biến động bất ngờ từ những cột trụ tưởng chừng khó "đổ" như Tây Ban Nha, Italia và giờ đến Pháp, những tháng đầu tiên của năm mới sắp đến sẽ là thời điểm có ý nghĩa sống còn đối với sự sinh tồn của liên minh tiền tệ lớn nhất thế giới. Để đón tin vui, không chỉ sự gắng gượng của Athens mà các chính sách bình ổn kinh tế bằng cách "thắt lưng buộc bụng" của chính phủ mới ở Rome và sự vững vàng của Paris có vai trò cực kỳ quan trọng. Do đó, số điểm thấp ngạc nhiên: âm 79, về triển vọng kinh tế mà đầu tàu thứ hai của Châu Âu đạt được trong cuộc khảo sát mới nhất tại 51 quốc gia đã gây không ít lo lắng. Giảm 20 điểm so với năm 2010 và đạt mức thấp nhất tính từ các cuộc khảo sát từ năm 1978, năm diễn ra cuộc khủng hoảng dầu mỏ ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu thể hiện sự bi quan về thực trạng kinh tế Pháp. Chưa phải áp dụng các biện pháp chi tiêu hà khắc, song mức lạm phát cao, sức mua giảm và phúc lợi xã hội bắt đầu kém đi... là những vấn đề mà chính quyền của Tổng thống Nicolas Sarkozy phải đương đầu để khôi phục hình ảnh trước các hãng đánh giá tín nhiệm đang lăm le hạ bệ mức xếp hạng tín dụng AAA mà Pháp đang nắm giữ. Không đơn giản chỉ là những con chữ, một khi Paris mất đi vị thế hiện tại sẽ là một bất lợi lớn với toàn Châu Âu khi cặp bài trùng Pháp - Đức luôn được xem là ngọn nguồn hy vọng về một ngày mai tươi sáng hơn cho Eurozone.
Niềm tin chắc chắn là điều cần thiết nhất trong lúc dầu sôi lửa bỏng hiện nay. Cũng cần ghi nhận những nỗ lực của các nhà lãnh đạo Châu Âu trong việc ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh nợ nần. Nhất trí "quyên góp" 150 tỷ euro cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vay để có thêm nguồn tài chính hỗ trợ châu lục giải quyết cuộc khủng hoảng gây đau đầu hiện nay. "Lời kêu cứu" từ Chủ tịch Eurozone Jean-Claude Juncker đề nghị G-20 và các đối tác lớn khác trên toàn thế giới đầu tư cho các nỗ lực cứu trợ tài chính cho khu vực thông qua IMF là động thái rõ ràng, khẳng định Cựu lục địa đang làm tất cả những gì có thể để trụ vững.
Không thể phủ nhận rằng, những cuộc hội họp liên miên và những quyết định được thông qua, dù khó khăn trong thời gian qua đã bước đầu ngăn chặn những rắc rối như "quả bom hẹn giờ" tại Cựu lục địa chưa phát nổ ngay dưới chân hệ thống tài chính thế giới. Một thực tế được nhận ra vào lúc này là Châu Âu cần thời gian để ứng phó với một cuộc khủng hoảng kiểu mới xuất phát từ những vấn đề có tính hệ thống cả về chính trị và kinh tế. Đã có dự báo rằng Lục địa già có thể thoát dần khỏi bóng đen nợ nần từ giữa năm 2012 và thế giới đang rất muốn tin vào triển vọng lạc quan này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.