Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuộc hồi sinh kỳ diệu

Nguyễn Năng Lực| 09/10/2014 06:59

(HNM) - Ngày 10-10-1954 không chỉ là Ngày Giải phóng Thủ đô về mặt hành chính, lãnh thổ… mà đã thật sự là ngày hồi sinh để hàng vạn gia đình người Hà Nội đổi đời.

Trong đoàn quân trở về, có một người lính trẻ, anh Vệ quốc quân 21 tuổi Phạm Thắng, chiến sĩ Tiểu đoàn Bình Ca, Trung đoàn Thủ đô. Tuy mới 21 tuổi nhưng Phạm Thắng đã có 9 năm là người lính Cụ Hồ. Gia đình Phạm Thắng có 4 anh em thì cả 4 người đều hoạt động kháng chiến trong vùng địch tạm chiếm, một người là liệt sĩ. Phạm Thắng là một trong số những đội viên Đội Quân báo thiếu niên Bát Sắt lừng danh đã bao phen gây kinh hoàng cho quân chiếm đóng.

Chiến sĩ Phạm Thắng ngày về tiếp quản Thủ đô



Cựu chiến binh Phạm Thắng với những kỷ vật Ngày Giải phóng Thủ đô.


Tổ phụ ông Thắng vốn người gốc Thanh Oai, ra Hà Nội kiếm sống. Cha ông là cụ Phạm Văn Định, làm nghề thầu khoán xây dựng, ngày ấy gọi là "Ăng tơ pờ rơ nơ", làm ăn phát đạt, tậu được nhà ở Phố Huế, nuôi dạy 4 người con ăn học chu đáo. Sau khi Thế chiến II nổ ra, nhất là sau khi quân Nhật vào chiếm Đông Dương, nghề thầu khoán sa sút. Có "Ăng tơ pờ rơ nơ" nhận thầu xây doanh trại, bị sĩ quan Nhật "chê" làm ăn gian dối, đem chôn sống dưới móng nhà. Cả nhà trở nên nghèo túng, khánh kiệt. Để mưu sinh, người chị ông Thắng là bà Hạnh phải đi bán bánh rán rong. Nhiều hôm chị Hạnh về tay trắng, bánh chẳng còn mà tiền hàng cũng không được lấy một trinh, vì người đói từ các tỉnh đổ về Hà Nội đông quá, họ không đủ sức để cướp nên cứ nhổ toẹt vào rổ bánh, chị thương họ đành phải cho không, chứ bánh ấy còn bán cho ai được. May nhờ có người anh cả của ông Thắng là Phạm Văn Đăng, (sau này là Đại tá quân đội về hưu), tham gia hoạt động trong đoàn thể Thanh niên Cứu quốc, đi phá kho thóc của Nhật lấy được mấy bao gạo về, chia cho cả các hộ Ngõ 24 gian (nay là ngõ Đông Xuyên) nên mới qua được nạn đói. Đến năm 1948, chị Hạnh được tuyển vào đường dây công tác nội thành, đưa cán bộ từ vùng tự do ra vào vùng địch tạm chiếm, chuyển tin tức tình báo cho cấp trên. Năm 1952, chị bị địch phục kích, bắn chết ở Tế Tiêu, được du kích địa phương đưa về chôn ở một sườn đồi. Nay quả đồi không còn, phần mộ chị cũng thất lạc. Người chị thứ hai là bà Mai cũng hoạt động nội thành, bị Pháp bắt, sau trốn được ra vùng kháng chiến, đi bộ đội. Chị Mai cưới anh trinh sát nội thành. Cậu út Phạm Thắng làm liên lạc cho đơn vị Tự vệ Cứu quốc của anh Đăng từ năm 12 tuổi. Ngày Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, người Hà Nội đục tường làm chiến hào, mang giường tủ, bàn ghế ra lập chiến lũy giữa đường ngăn giặc. Giống như chú bé Gavroche của Kinh thành Paris, Phạm Thắng như con chim sẻ hồn nhiên bay trên đường phố. Có lần Thắng trèo qua chiến lũy, chạy trên dãy phím đàn piano khiến cây đàn bất chợt ngân lên những âm thanh lanh lảnh giữa chiến trường. Lần ấy Thắng bị ngã, con dao găm cầm tay đâm vào đầu gối, còn sẹo đến bây giờ. Trong những năm Pháp tạm chiếm, Phạm Thắng cùng các bạn trong Đội Quân báo thiếu niên hoạt động trong lòng địch, lập được nhiều công trạng. Sau này, ông Thắng viết cuốn truyện "Đội tình báo thiếu niên Bát Sắt", đến nay đã tái bản lần thứ bảy. Năm 1948, ông ra chiến khu, nhập ngũ vào Tiểu đoàn Bình Ca, Trung đoàn Thủ đô, đi hết chiến dịch này đến chiến dịch khác. Ngày 10-10-1954, đơn vị ông về Hà Nội theo ngả ô Cầu Giấy. Trở về, nhà cũ không còn, gia đình cụ Phạm Văn Định được cấp căn nhà 17B phố Thụy Khuê, vốn là nhà người bồi bếp cho một viên "quan tư Tàu bay" người Pháp. Năm 1957, ông Thắng ra quân, về công tác tại ngành giáo dục, lấy vợ rồi định cư ở phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy. Những năm làm Giám đốc Xưởng in Đại học Sư phạm, ông đã góp phần cải tiến công tác quản lý, chăm lo đời sống người lao động. Năm 1992, ông vận động đảng viên, công nhân tự nguyện làm thêm giờ không tính công, sau hai tuần thì in xong cuốn hồi ký "Nữ chiến sĩ rừng dừa" của đồng chí Nguyễn Thị Định, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Nhận sách, bà Định cảm động, mời cơm, chụp ảnh chung với cả xưởng. Con cháu ông Thắng, ông Đăng, bà Mai đều thành đạt, đóng góp tích cực trên nhiều lĩnh vực cho công cuộc xây dựng Thủ đô và đều có đời sống khá giả.

Cụ Nguyễn Thị Bằng năm nay đã ngoài 90 tuổi, sống tại Tổ 3, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy. Cụ thường nói với con cháu: Nếu không có ngày Giải phóng Thủ đô thì không biết gia đình mình sẽ ra sao. Hơn 60 năm trước, gia đình cụ sống tại khu nhà viện trợ Mỹ ở Thúy Ái (nay thuộc phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng), một trong những khu nhà ổ chuột tăm tối của Hà Nội. Chỉ trong 2 năm 1953 - 1954, nhà cụ chịu ba cái tang. Cô em chồng bị mật thám Pháp bắt giam, tra tấn ở bốt Liễu Giai vì nghi là hoạt động kháng chiến. Được thả về, cô ốm lên ốm xuống, da cứ vàng bủng rồi chết khi mới ngoài 20 tuổi. Chồng cụ đau dạ dày, chữa chạy ở Nhà thương làm phúc phố Phủ Doãn (nay là Bệnh viện Việt - Đức) không qua khỏi, chết khi chưa đầy 30 tuổi, không kịp đón ngày giải phóng. Cả nhà còn 2 người đàn bà góa và hai đứa trẻ thơ dại lên 5 và lên 2 tuổi, chỉ còn biết ngửa mặt lên trời, hướng lên Chiến khu Việt Bắc mong ngày bộ đội Cụ Hồ về. Nay cụ Bằng là cán bộ hưu trí hơn 50 năm tuổi Đảng, hai người con đều được ăn học chu đáo, là trí thức thành đạt, các cháu cụ đều có bằng thạc sĩ, công tác tại các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp lớn…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc hồi sinh kỳ diệu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.