Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuộc đua giữa MobiFone và Vinaphone

Việt Nga| 02/06/2015 05:36

(HNM) - Thị trường viễn thông di động từ nhiều năm nay vốn đã ở thế

Cho đến nay, xét về nhiều phương diện, Viettel có nhiều lợi thế. Trong một khoảng thời gian nhất định, khó nhà mạng nào có thể giành được vị trí số 1 về thuê bao của nhà mạng này. Do vậy, cuộc cạnh tranh gay gắt sẽ chỉ diễn ra giữa MobiFone và Vinaphone.

MobiFone đang nỗ lực đẩy mạnh đầu tư mạng lưới ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Ảnh: Hải Thanh


Viettel hiện đang chiếm hơn 50% thị phần thuê bao di động, tương ứng với khoảng 57 triệu thuê bao và giữ một khoảng cách rất xa với hai nhà mạng còn lại về thị phần cũng như số thuê bao. Nhà mạng này được đánh giá thực hiện các khâu tiếp thị, bán hàng, truyền thông bài bản, chuyên nghiệp hơn. Một điều cũng rất đáng chú ý rằng, cho đến nay Viettel vẫn duy trì lợi thế số một của mình ở khâu bán hàng. Khách hàng có thể dễ dàng nhận thấy điều này bởi có thể mua sim của Viettel ở bất cứ đâu kể cả những vùng sâu, vùng xa. Nhưng, không thể không kể đến nhà mạng số 1 này còn có lợi thế về vùng phủ sóng (có nhiều trạm BTS nhất cả nước với gần 60.000 trạm BTS 2G và 3G) khi mà khách hàng vẫn luôn truyền miệng rằng nếu đi khỏi thành phố phải dùng sim Viettel mới liên lạc thuận tiện. Điều đó cho thấy, Vinaphone và MobiFone rất khó có thể cạnh tranh với Viettel, ít nhất là trong ngắn hạn. Do vậy, cuộc cạnh tranh sẽ chỉ diễn ra giữa MobiFone và Vinaphone.

Đối với MobiFone, đến nay nhà mạng này vẫn được đánh giá là có phong cách kinh doanh chuyên nghiệp và chăm sóc khách hàng tốt nhất. Tuy nhiên, sau khi chia tách, MobiFone phải sắp xếp, ổn định lại bộ máy lãnh đạo nên thật khó nói là việc này có làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh hay không. Thêm nữa, MobiFone có lợi thế ở khu vực phía Nam (chiếm thị phần lớn), nhưng tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc thì lượng thuê bao lại không bằng Vinaphone. Cụ thể là tại Hà Nội, thị phần của MobiFone chỉ hơn 10%. Vì vậy, điều dễ hiểu là để cạnh tranh, MobiFone buộc phải đẩy mạnh đầu tư mạng lưới hạ tầng ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Được biết, giữa MobiFone và VNPT có ký thỏa thuận hợp tác sử dụng chung hạ tầng, nhưng xét về cạnh tranh lâu dài, thì đó không phải là lợi thế, vì cả MobiFone và Vinaphone là hai "đối thủ" trực tiếp.

Với Vinaphone, do đang thực hiện tái cấu trúc với việc phải ổn định, sắp xếp lại tổ chức, bộ máy từ công ty cho tới các địa phương trong cả nước, nên cũng ít nhiều có khó khăn. Song, có thể nói đây là giai đoạn Vinaphone thực hiện tốt nhất khâu bán hàng - điều mà nhà mạng này tự đánh mất trong một thời gian dài. Đây cũng là kết quả của quá trình tái cấu trúc, hàng nghìn lao động từ các khối "bàn giấy" đã được chuyển sang kinh doanh. Được biết, quý I-2015 của nhà mạng này tăng trưởng cao về thuê bao mới và thuê bao phát sinh cước; khu vực Hà Nội thị phần cũng tăng so với năm trước… Vinaphone có lợi thế về hạ tầng mạng lưới ở Hà Nội và khu vực phía Bắc mạnh. Dù có những lợi thế như vậy, nhưng so với hai nhà mạng Viettel, MobiFone, Vinaphone vẫn phải xếp sau ở khâu chăm sóc khách hàng. Trong điều kiện cạnh tranh quyết liệt như hiện nay, đó là điểm yếu mà Vinaphone cần phải khắc phục.

Với những phân tích như trên cho thấy cả MobiFone và Vinaphone đều có những điểm mạnh, điểm yếu. Song, có một thực tế là thị trường viễn thông đã bão hòa, Viettel thì quá mạnh và như đã nói trong thời gian ngắn khó có thể làm gì họ, vậy "cuộc chiến" chỉ còn giữa MobiFone và Vinaphone.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc đua giữa MobiFone và Vinaphone

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.