Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuộc chiến mịt mù

Lâm Phương| 26/06/2011 05:56

(HNM) - Ba tháng sau khi mở chiến dịch quân sự Bình minh Odyssey tấn công Libya với hàng nghìn cuộc không kích có tốc độ và quy mô ngày càng quyết liệt, song Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vẫn không thể bẻ gãy sức chiến đấu của lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi và cũng chưa giúp cho phe nổi dậy giành được thế thượng phong trên chiến trường. Thực tế mà các nước phương Tây hiện phải đối mặt là càng đánh càng rối và rối từ chính nội bộ NATO.

Cảnh tàn phá sau vụ không kích của NATO tại thành phố Sabratha ngày 20/6. (Nguồn: AFP)

Rạn nứt lớn nhất trong liên minh quân sự phương Tây càng lộ rõ khi Ngoại trưởng Italia, ngày 22-6, bất ngờ ra lời kêu gọi "ngừng ngay lập tức" các hành động thù địch ở Libya. Lời kêu gọi gây sững sờ các nước thành viên NATO được đưa ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo của tổ chức này vừa quyết định kéo dài cuộc chiến thêm 3 tháng. Nó cho thấy, niềm tin vào các cuộc không kích để "bảo vệ dân thường" của NATO với sự hỗ trợ của Mỹ đã lung lay ở nhiều quốc gia đang dốc sức vào một cuộc tốc chiến, hao tiền tốn của này.

Không có gì phải bàn cãi nếu xét về cán cân lực lượng ngay từ khi Pháp nổ phát súng đầu tiên mở màn cuộc chiến tại Libya, có thể thấy rõ rằng, liên quân phương Tây sở hữu sức mạnh áp đảo so với những gì Đại tá M.Gaddafi nắm giữ. Tuy nhiên, dù hàng ngàn đợt không kích liên tiếp nhằm vào những mục tiêu trọng yếu của Libya trong suốt 99 ngày qua, dù nhiều cơ sở chỉ huy quân sự cùng các trung tâm tình báo của "đối phương" bị phá hủy, NATO vẫn phải "ngậm đắng nuốt cay" nhìn Tổng thống M.Gaddafi bình thản ngồi đánh cờ giữa thủ đô Tripoli.

Trên thực tế, hỏa lực từ vùng cấm bay của NATO chỉ giúp quân nổi dậy cân bằng lực lượng chứ không thể đè bẹp quân đội của Đại tá M.Gaddafi. Thế giằng co kéo dài đang đẩy Libya rơi vào một kịch bản mà liên minh phương Tây không mong đợi. Đó là quốc gia Bắc Phi này sẽ bị chia cắt với một nửa lãnh thổ phía Tây do quân Chính phủ kiểm soát và một nửa phía Đông do phe nổi dậy nắm giữ. Trong lúc hai chân vẫn còn chưa nhấc khỏi hai vũng lầy Iraq và Afghanistan thì can dự quân sự lâu dài tại một đất nước thứ ba khác không phải là viễn cảnh sáng sủa cho NATO, nhất là vào thời điểm nhiều nước thành viên của tổ chức này đang đau đầu với bài toán "cơm áo gạo tiền".

Hy vọng một lợi ích có được từ chiến dịch can thiệp quân sự vào Libya còn chưa thấy đâu, NATO lại phải đối mặt với sự chỉ trích lớn nhất từ khi phát động cuộc tấn công vào nước này. Người dân ở những quốc gia tham chiến không thể không sốt ruột trước chi phí khủng khiếp đội lên từng ngày do phải huy động các loại máy bay và khí tài quân sự hiện đại vào chiến dịch. Tại xứ Sương mù, số tiền cho hoạt động ở Libya đang trở thành chủ đề nóng khi Bộ Quốc phòng Anh thừa nhận London đã đổ vào cuộc chiến vài tháng qua khoảng 400 triệu USD - gấp nhiều lần so với dự tính ban đầu. Tình hình tương tự cũng đang diễn ra với đồng minh phía bên kia bờ Đại Tây Dương. Vai trò của chú Sam ở Libya đã trở thành vấn đề tranh cãi tại Đồi Capitol khi Lầu Năm Góc đã đốt khoảng 1 tỷ USD cho cuộc chiến cách xa nước Mỹ tới gần nửa vòng trái đất.

Cùng lúc, dư luận thế giới tỏ ra bất bình khi NATO liên tục sát hại nhầm dân thường, gồm cả những đứa trẻ mới biết đi, trong khi đây là mục tiêu mà đội quân này khẳng định phải bảo vệ. Chưa hết, ngay NATO và phe nổi dậy ở Libya cũng mâu thuẫn với nhau về thế bế tắc trên chính trường. Bên cạnh sự giận giữ vì những vụ "quân ta bắn quân mình", "đối tác mặt đất" của NATO liên tục chỉ trích tổ chức này chậm cấp tiền phục vụ cho cuộc lật đổ Tổng thống M Gaddafi.Trong lúc NATO không thể thắng "từ trên trời", quân nổi dậy xem ra khó giành lợi thế trên mặt đất, sự vững vàng của Tổng thống M.Gaddafi và đội quân ủng hộ trung thành đang khiến kế hoạch loại bỏ nhà lãnh đạo cao tuổi này bằng một cuộc đảo chính nội bộ đứng trước nguy cơ phá sản. Hiện lựa chọn của NATO không còn nhiều.

Một phương án mang lại khả năng thay đổi tình thế nhanh nhất được nhắc đến lâu nay đó là NATO tung bộ binh vào Libya. Tuy nhiên, điều này đi ngược lại Nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và bẻ ngoặt cuộc chiến theo một hướng khác với những hệ lụy khôn lường.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cuộc chiến mịt mù

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.