Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuộc chiến chưa có hồi kết

Quỳnh Chi| 22/03/2017 06:35

(HNM) - Khi quân đội Iraq bước vào giai đoạn cuối chiến dịch giải phóng Mosul, đã có nhiều dự đoán rằng, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cũng sắp tan rã.


Vì thế, trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi tại thủ đô Washington ngày 20-3, ngoài việc khẳng định sự ủng hộ trong việc đẩy lùi IS ra khỏi Iraq, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố không từ bỏ cuộc chiến chống lại đội quân áo đen. Đây cũng là điều mà ông chủ mới của Nhà Trắng đã khẳng định không lâu sau khi nhậm chức, cụ thể là sẽ mở ra “một kỷ nguyên mới chống khủng bố”. Tuy nhiên, cần phải có thời gian để xem những bước đi cụ thể mà ông D.Trump sẽ đưa ra có thực sự tạo nên điều khác biệt với người tiền nhiệm hay không.

Dù đang bị thất thế ở Mosul, IS vẫn là một tổ chức khủng bố nguy hiểm.


Cách đây ít lâu, một số nhà phân tích cho rằng, cuộc chiến chống khủng bố dưới thời cựu Tổng thống Barack Omaba thiếu đi các giải pháp đồng bộ, nhất là trong giải quyết mối quan hệ giữa phương Tây với thế giới Hồi giáo mà chỉ coi trọng sử dụng sức mạnh quân sự. Do đó, Mỹ và phương Tây đang tạo ra vòng xoáy “hận thù, bạo lực” nối tiếp nhau. Điều này không những không thể tiêu diệt được chủ nghĩa khủng bố mà vô tình lại kích động tư tưởng này phát triển mạnh hơn, manh động hơn. Đây là lý do vì sao các tổ chức khủng bố ngày càng đa dạng và liều lĩnh hơn. Khi Al-Qaeda được cho là đang trên đà tan rã, thì ngay lập tức IS lại nổi lên với mức độ khủng bố tàn bạo, nguy hiểm hơn gấp nhiều lần. Dư luận cho rằng, để chống khủng bố hiệu quả, Mỹ cần phải có một chính sách toàn diện với sự hợp tác của các quốc gia sở tại và cộng đồng quốc tế, nhất là giải quyết tận gốc sự đói nghèo, bất công, bất bình đẳng. Các giải pháp quân sự chống khủng bố phải trên cơ sở luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia. Nếu không như vậy, cuộc chiến này sẽ dễ rơi vào vòng xoáy không hồi kết.

Trở lại cuộc chiến chống IS, đến nay, số tiền mà Mỹ bỏ ra để tiêu diệt nhóm khủng bố này ước tính vào khoảng 10,7 tỷ USD, tăng gấp đôi so với khi Mỹ bắt đầu dẫn đầu liên quân quốc tế chống IS từ tháng 6-2014. Trong đó, không quân “ngốn” nhiều tiền hơn bất cứ đơn vị chiến đấu nào khác. Đổi lại, các báo cáo của quân đội Mỹ cho biết, IS đã đánh mất một nửa diện tích lãnh thổ mà chúng chiếm đóng so với thời điểm chiến dịch không kích bắt đầu. Tuy nhiên, hiện nay, tình hình bất ổn tại Trung Đông và Bắc Phi vẫn tạo ra những điều kiện tốt để IS lập nên những thành trì mới. Bên cạnh đó, 3 năm qua, ngoài Iraq và Syria, IS đã thiết lập được nhiều chân rết ở các nước Trung Đông ở Châu Phi, Trung Á và vùng Kavkaz, Châu Âu và thậm chí ở cả khu vực Đông Nam Á. Nói cách khác, IS đang có xu hướng trở thành một mạng lưới khủng bố ngầm, chờ thời cơ để bùng phát trở lại.

Như vậy, IS vẫn sẽ rất nguy hiểm, nhưng theo một cách thức khác. Trong kịch bản “Vương quốc IS” tan rã, thế giới sẽ bước vào một cuộc chiến mới không phân tuyến với lực lượng IS ở nhiều nơi. Do đó, cam kết của Tổng thống D.Trump khẳng định sẽ sát cánh cùng Iraq loại bỏ IS chắc chắn còn là một chiến lược lâu dài. Lời hứa này là cần thiết với các nước trong liên minh chống khủng bố và cả Baghdad sau khi mối quan hệ giữa hai bên có phần căng thẳng do người đứng đầu nước Mỹ đưa Iraq vào danh sách các quốc gia có công dân bị cấm nhập cảnh trong sắc lệnh nhập cư đầu tiên. Với bầu không khí thân thiện và cởi mở, dư luận có thêm niềm tin rằng sự hợp tác giữa chính quyền D.Trump và H.Al-Abadi sẽ mang lại những kết quả tích cực hơn cho cuộc chiến đầy thách thức nhằm tiễu trừ mối đe dọa của nhân loại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc chiến chưa có hồi kết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.