(HNM) - Số ca mắc sởi trên địa bàn cả nước nói chung, Hà Nội nói riêng đang có xu hướng gia tăng. Đây là diễn biến nguy hiểm, rất đáng lo ngại, đòi hỏi các địa phương, ngành chức năng và mỗi người dân cần triển khai ngay các biện pháp phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh ngay từ nơi sinh sống, làm việc.
Vấn đề nhức nhối và cũng là "cội rễ" của việc dịch sởi có số ca mắc đang tăng nhanh vẫn là những tồn tại trong công tác tiêm vắc xin phòng dịch. Bởi, chính tình trạng bao phủ vắc xin không đạt (dù tỷ lệ còn rất nhỏ) đã tạo ra "lỗ hổng" miễn dịch nguy hiểm, là nguồn ủ bệnh khó kiểm soát lây lan ra cộng đồng. Có nhiều nguyên nhân nhưng sự chủ quan, thiếu hiểu biết và tâm lý lo ngại thiếu căn cứ của một số người dân đã khiến trẻ nhỏ không được tiêm phòng đầy đủ. Tình trạng này để lại hậu quả rất lớn cho sức khỏe con người cũng như tăng chi phí điều trị so với việc chỉ phải tiêm vắc xin thông thường.
Đáng nói, ở những đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, nơi có dân số đông, lượng dân di cư tăng cao, không ổn định về chỗ ở, khiến việc quản lý công tác tiêm chủng, dịch bệnh vô cùng khó khăn. Cùng với đó, nơi đây có nhiều hoạt động giao lưu kinh tế, văn hóa diễn ra, là môi trường thuận lợi lây lan dịch bệnh, trong đó có bệnh sởi qua đường hô hấp. Điều này càng phải để tâm trong bối cảnh các lễ hội đầu Xuân Kỷ Hợi tập trung đông người đang được tổ chức ở nhiều địa phương.
Một lưu ý nữa không thể bỏ qua khi thời tiết giao mùa, là điều kiện lý tưởng cho các loại virus, muỗi truyền bệnh sinh sôi, phát triển, trong đó có virus gây bệnh sởi, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết… nên nguy cơ lây lan, bùng phát dịch bệnh càng lớn, khó lường. Hơn nữa, trong khi bệnh sởi đang gia tăng ở nhiều nước thì không ít dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi, các chủng cúm gia cầm độc lực cao vẫn có nguy cơ bùng phát, lan rộng và có thể xâm nhập vào Việt Nam.
Do đó, việc cấp bách hiện nay là các địa phương và ngành chức năng cần triển khai khẩn cấp các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh theo chỉ đạo của Bộ Y tế và các cấp chính quyền. Trước mắt cũng như lâu dài vẫn là làm tốt công tác tiêm chủng, bao gồm tiêm vắc xin phòng sởi - rubella. Muốn vậy, công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh phải luôn "đi trước một bước", đến từng người dân, mỗi gia đình, trường học bằng những thông điệp dễ hiểu, dễ thực hiện như "cơm ăn, nước uống hằng ngày". Đặc biệt tránh tình trạng khi có dịch bệnh xảy ra mới tổ chức tuyên truyền rầm rộ, như vậy chỉ mang tính đối phó nhiều hơn là hiệu quả thực chất.
Cũng để tránh việc bệnh nhân phải lên tuyến trên gây nên tình trạng lây nhiễm dịch bệnh chéo, các cơ sở y tế tuyến dưới cần bảo đảm đầy đủ nhân lực, trang thiết bị y tế, thuốc men... để nâng cao khả năng tiếp nhận người bệnh. Đối với các bệnh viện tuyến cuối chú trọng công tác chỉ đạo tuyến; sẵn sàng hội chẩn, góp ý, chỉ đạo chuyên môn qua đường dây nóng khi có yêu cầu. Công tác thường trực các đội cấp cứu cơ động, hỗ trợ tuyến dưới cũng phải luôn sẵn sàng.
Công tác điều tra dịch tễ của ngành Y tế và các địa phương cần tiếp tục thực hiện toàn diện hơn, bên cạnh điều tra bệnh nhân, chú ý mở rộng ra cộng đồng, nơi ở, nơi làm việc của họ. Việc này rất quan trọng để ngành chức năng có đầy đủ thông tin "khoanh vùng dập dịch", nếu xảy ra. Đặc biệt, ở các thành phố lớn, việc này càng phải lưu tâm vì nơi đây có nhiều dãy nhà trọ, khu dân cư chưa bảo đảm điều kiện vệ sinh môi trường.
Mỗi người dân, hãy có trách nhiệm với sức khỏe của chính mình, của con em và cộng đồng, thực hiện nghiêm các hướng dẫn của ngành Y tế và chính quyền địa phương. Vì chỉ khi cùng vào cuộc, cùng có trách nhiệm thì dịch bệnh mới được ngăn chặn, đẩy lùi, bảo vệ an toàn sức khỏe cộng đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.