(HNMCT) - Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố khác đang trong những ngày tháng đặc biệt khó khăn vì dịch Covid-19 bùng phát. Vất vả, thiếu thốn, nhu cầu cá nhân phải kìm nén và thậm chí sức khỏe, tính mạng của rất nhiều người bị đe dọa... Nhưng cũng chính trong những ngày gian khó, người bình thường đều sáng rõ những giá trị bất biến của cuộc sống: Tính nhân văn, tinh thần nhân đạo, tình yêu và sự sẻ chia trên nền tảng tinh thần “mình vì mọi người, mọi người vì mình”. “Cùng nhau”, “vì nhau” còn hơn một khẩu hiệu, đó là lời hiệu triệu, là cơ hội để tất cả cùng vượt qua hoạn nạn do đại dịch mang tới suốt gần 2 năm qua.
Hãy lắng nghe quanh mình, trong thành phố thân yêu và dải đất hình chữ S cũng như toàn thế giới để thấu hiểu ý nghĩa của tinh thần đoàn kết cùng đồng hành. Một tuần trước, Thế vận hội mùa hè 2020 đã khai mạc tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản với bản tuyên ngôn về tinh thần cùng nhau chiến thắng đại dịch, cùng nhau hướng tới một thế giới hòa bình, tốt đẹp hơn. Trên nền nhạc “Imagine” - một ca khúc bất hủ của John Lennon ra đời vào năm 1971, cách nay vừa tròn nửa thế kỷ, hàng trăm triệu người theo dõi lễ khai mạc Olympic 2020 có một không hai với một cảm giác đặc biệt rằng ở sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh này, cái đáng kể nhất có thể không còn là thành tích thể thao, những tấm huy chương, mà phải là tình đoàn kết của con người trên trái đất, bất kể châu lục, quốc gia hay màu da.
Cách đây ít ngày, trong đêm vắng tại thành phố Thủ Đức, một trong những điểm nóng về dịch Covid-19 tại Việt Nam, âm nhạc lại một lần nữa cất lời hiệu triệu hành động vì nhau qua tiếng kèn của nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn và bản nhạc “Quê hương”, bất kể khi màn trình diễn xúc động đó được lan tỏa qua YouTube và Facebook, ý kiến phản hồi bao gồm cả ngợi ca và lo ngại.
"Cùng nhau”, “vì nhau”, đó không phải khẩu hiệu xa vời. Những bản nhạc ý nghĩa cất lên trong những ngày này có ý nghĩa dẫn dắt hành động đời thường. Không chỉ là những đợt hàng cứu trợ, hành động quyên góp, những nhóm tình nguyện viên hay thiện nguyện hành động vì người có hoàn cảnh khó khăn, những ai cần được giúp đỡ trong khu vực bị phong tỏa, những bệnh nhân đang phải cách ly trong bệnh viện dã chiến... Chúng ta nêu cao tinh thần cùng nhau và vì nhau trong hành động phòng, chống dịch hằng ngày.
Giãn cách theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ là cố gắng ở nhà, là nén lại nhu cầu cá nhân chính đáng nhưng không phù hợp trong hoàn cảnh này, để cùng nhau hướng tới một tương lai không xa tất cả được trở lại cuộc sống tươi đẹp mà chúng ta từng trải qua, và sẽ còn được trải nghiệm. Hãy nghĩ tích cực rằng, giữ cho mình an toàn là giúp những người bên cạnh mình được an toàn, và ngược lại. Để yên tâm rằng, nén lại một chút nhu cầu cá nhân, tuân thủ yêu cầu, quy định về giãn cách không phải là hành động khiến mỗi người trong chúng ta phải chịu thiệt thòi hay không bằng người. Để thấy được rằng, sự hy sinh nhỏ bé ấy là góp phần giúp những người đang phải ở ngoài kia vì nhiệm vụ cao cả cảm thấy an tâm đối mặt với dịch bệnh.
Diễn biến dịch Covid-19 tại Việt Nam vẫn đang trong trạng thái phức tạp. Lo lắng về số ca mắc mới mỗi ngày một tăng. Cảm giác nặng nề khi nghĩ rằng đỉnh dịch có lẽ nào còn ở xa. Sẽ có thêm bao nhiêu người, bao nhiêu gia đình bị cuốn vào vòng xoáy dịch bệnh? Sẽ có thêm bao nhiêu người mất thu nhập, không thể ra ngoài lo cái ăn? Bao nhiêu trẻ nhỏ phải ở trong bốn bức tường nhưng không có được điều kiện ăn ở, giải trí, tự học ở mức bình thường như đa số chúng ta?...
Bởi thế, nếu có phải cầu xin, hãy cầu mong cho chúng ta không phân biệt vùng miền, xuất thân, sang hèn hay giàu nghèo, tất cả cùng đồng thuận giúp nhau và vì nhau trong từng hành động, từng ngày, để không còn phải ngoái lại với những câu hỏi lo lắng nói trên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.