(HNM) - Hôm qua 13-11, Quốc hội đã dành cả ngày thảo luận báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018. Hàng loạt tồn tại, hạn chế, bất cập trong phòng cháy, chữa cháy - lĩnh vực đang được cử tri và nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm, được nêu ra cho thấy bức tranh toàn cảnh rất đáng lo ngại, đặt ra yêu cầu phải hành động quyết liệt, có chiến lược dài hạn để khắc phục triệt để.
Những con số “biết nói” đã gây nhiều băn khoăn, lo lắng cho đại biểu Quốc hội cũng như cử tri cả nước là hiện có đến 2.662 công trình có nguy hiểm về cháy, nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt hoặc đã thẩm duyệt nhưng chưa nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy. Thêm nữa, tính đến tháng 7-2018, cả nước vẫn tồn tại 110 chung cư, nhà cao tầng đã hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy… Trong khi đó, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng còn nhiều hạn chế như thiếu đường băng cản lửa, việc chữa cháy vẫn dùng phương tiện thô sơ…
Điều đáng nói, tình trạng nêu trên vẫn tồn tại, thậm chí nhiều vi phạm diễn biến ngày càng phức tạp hơn trong bối cảnh đã xảy ra hàng nghìn vụ cháy gây thiệt hại vô cùng lớn về người và tài sản. Thực tế này cho thấy sự xem thường những quy định về phòng cháy, chữa cháy của không ít tổ chức, cá nhân, dù đây là vấn đề hệ trọng, liên quan trực tiếp đến an toàn tính mạng con người, tài sản của nhân dân, Nhà nước.
Về khách quan, nguyên nhân của tình trạng trên đến từ quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh, trong khi hạ tầng, nhân lực, công tác quản lý phòng, chống cháy nổ chưa theo kịp sự phát triển; một số quy chuẩn, tiêu chuẩn lĩnh vực này đã lỗi thời… Nhưng xét toàn diện thì lý do chủ quan vẫn là chủ yếu. Trong đó phải nhắc đến thực tế có lúc, có nơi, các cấp chính quyền địa phương, ngành chức năng vẫn chưa làm tròn chức trách, nhiệm vụ; thậm chí còn có những cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm hoặc có tình trạng “tiền trảm hậu tấu”, buông lỏng quản lý, trốn tránh trách nhiệm…
Khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế, từng bước đưa công tác phòng cháy, chữa cháy đi vào nền nếp, hiệu quả là nhiệm vụ tổng thể đặt ra đối với các cấp, ngành chức năng. Vấn đề cốt yếu là bên cạnh việc hoàn thiện các quy định cho phù hợp với tình hình hiện nay thì phải tiếp tục nâng cao ý thức, trách nhiệm thực thi pháp luật. Các bộ, ngành, địa phương một mặt thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của mình, đồng thời phải phối hợp chặt chẽ để bảo đảm tính thống nhất, hiệu quả trong thực hiện công tác thẩm duyệt, nghiệm thu; xây dựng, phát triển đô thị, hạ tầng giao thông xem xét trong tổng thể quy hoạch phòng cháy, chữa cháy...
Đặc biệt lưu ý là phải tăng cường thanh tra, kiểm tra để ngăn chặn ngay những sơ hở, vi phạm khi mới phát sinh và chỉ cho phép công trình, nhà xưởng… được sử dụng khi đã nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy; xử lý nghiêm minh những cán bộ có trách nhiệm để xảy ra sai phạm… Tiếp tục dành nguồn lực thích đáng để sắp xếp, bố trí nhân lực phù hợp, đầu tư trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy đầy đủ, đáp ứng được yêu cầu mới.
Cũng từ thực tế có nhiều vụ cháy xảy ra do nguyên nhân bất cẩn của con người nên công tác thông tin, tuyên truyền cần được các cấp, ngành chức năng chú trọng và đẩy mạnh hơn nữa. Trong bối cảnh hiện nay, cần lưu ý đến các đối tượng là cư dân sinh sống ở chung cư cao tầng, khu dân cư đông đúc, những nơi có rừng; các cơ sở sản xuất, kinh doanh…
Trên tinh thần này, mỗi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cùng nâng cao ý thức, thấy rõ trách nhiệm trong việc thực thi pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, bảo đảm an toàn phòng, chống cháy nổ, góp phần vào sự bình yên, an toàn cho chính mình và cộng đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.