Việc Philippines và Australia lần đầu tiên cùng tuần tra trên biển và trên không trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines ở khu vực Biển Đông không gây bất ngờ vì vốn đã được hai bên bàn đến và nhất trí từ đầu năm nay. Dù vậy, động thái này vẫn có ý nghĩa, tác động chính trị và chính trị an ninh rất thời sự ở khu vực Biển Đông và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Việc này lại diễn ra ngay sau khi Philippines và Mỹ cùng tuần tra trên biển ngoài khơi Philippines và hai bên ký kết thỏa thuận về hợp tác hạt nhân phục vụ các mục đích dân sự. Tất cả những diễn biến này lại có liên quan trực tiếp cũng như gián tiếp tới căng thẳng trong thời gian vừa qua giữa Philippines với Trung Quốc, tới mối quan hệ vẫn còn trắc trở và phức tạp giữa Mỹ và Australia với Trung Quốc cho dù vừa mới đây có biểu hiện giảm căng thẳng nhất định.
Cuộc tuần tra chung nói trên được đích thân Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos tuyên cáo; qua đó, có thể thấy phía Philippines coi trọng nó như thế nào. Cũng không có gì là khó hiểu bởi tuần tra chung trên không và trên biển ở khu vực Biển Đông như thế phản ánh mức độ rất cao về thống nhất quan điểm và phối hợp hành động, về tin cậy lẫn nhau và gắn kết chặt chẽ với nhau trong mối quan hệ song phương giữa Philippines với Mỹ và Australia, lại còn tạo tiền đề thuận lợi cho việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác chính trị, quân sự và an ninh ba bên giữa Mỹ, Philippines và Australia đặc biệt ở khu vực Biển Đông.
Thông thường, chỉ khi có cùng mục đích để nhằm tới và chung lợi ích để theo đuổi thì các bên liên quan mới hợp tác với nhau như vậy. Philippines và Australia nhấn mạnh, mục đích của hoạt động tuần tra chung là bảo đảm tự do đi lại trên biển cũng như trên không. Như thế cũng có thể hiểu mục đích này theo cách khác là Australia và Philippines chủ ý phối hợp hành động đối phó với mưu tính và hành động của bên thứ ba nào đấy cản trở tự do đi lại trên biển và trên không ở khu vực Biển Đông cũng như ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Động thái này lại một lần nữa cho thấy, ông Marcos đang thúc đẩy mạnh mẽ và cụ thể việc gây dựng cục diện chính trị, đối ngoại và an ninh mới ở khu vực Biển Đông và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cho Philippines, gia tăng vị thế của Philippines trong chiến lược và chính sách của Mỹ và Australia đối với khu vực Biển Đông và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đồng thời, còn có thể thấy hai nước Mỹ và Australia cũng đặc biệt coi trọng Philippines. Không khó khăn gì để nhận thấy cả trên danh nghĩa lẫn trong thực chất, mối quan hệ của Mỹ và Australia với Philippines về chính trị và an ninh, về quân sự và quốc phòng nổi bật hơn hẳn so với mối quan hệ của hai nước này với tất cả các quốc gia khác ở khu vực Đông Nam Á.
Thời cuộc là một tác nhân quan trọng, nhưng tác nhân quyết định nhất giúp cho bộ ba này có cùng mục đích và chung lợi ích lại là sự thay đổi tổng thống ở Philippines. Người tiền nhiệm của ông Marcos theo đuổi đường lối, chính sách đối ngoại và chính trị an ninh khu vực không nhất quán và thức thời như ông Marcos hiện tại. Ngoài ra, trắc trở gia tăng trong mối quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc thời gian gần đây đã buộc ông Marcos bất kể muốn hay không, thích hay không thích thì cũng đều vẫn phải xử lý lại vấn đề cân bằng hay thiên lệch giữa các đối tác bên ngoài trong các mối quan hệ đối ngoại của Philippines sao cho có lợi nhất và bớt biến động, bất ngờ nhất đối với Philippines.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.