Một tuần sau khi áp thuế quan bảo hộ thương mại đối ứng với các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông qua mạng xã hội cho biết đã quyết định ngừng việc áp thuế quan đối ứng này trong thời gian 90 ngày nhưng vẫn duy trì mức thuế quan 10% và riêng đối với Trung Quốc thì tăng mức thuế quan bảo hộ thương mại lên 125%.
Ông D.Trump biện luận cho quyết định hoãn áp thuế quan trên bằng lý do có "hơn 75 quốc gia đã liên hệ với các đại diện của Mỹ - bao gồm Bộ Thương mại, Bộ Tài chính và Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) - để đàm phán các giải pháp liên quan đến thương mại, rào cản thương mại, thuế quan, thao túng tiền tệ và các hình thức phi thuế khác, và các quốc gia này... đã không trả đũa Mỹ dưới bất kỳ hình thức nào".
Ông D.Trump cáo buộc, Trung Quốc đã "thiếu tôn trọng thị trường toàn cầu" khi "ăn miếng trả miếng" về thuế quan nên đã quyết định áp mức thuế quan 125% đối với hàng hóa của Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) là hai đối tác kinh tế và thương mại của Mỹ chủ trương đối phó thuế quan của ông D.Trump bằng cách trả đũa Mỹ trước, thương thảo với Mỹ sau. Trong khi EU mới thống nhất nội bộ về đối sách thì Trung Quốc đã có biện pháp trả đũa ngay lập tức.
Ông D.Trump và cộng sự đã chủ ý chuẩn bị dư luận từ trước đó khá lâu cho đòn thương chiến với thuế quan bảo hộ này. Người đứng đầu Nhà Trắng dùng mỹ từ "Ngày giải phóng" để miêu tả ngày công bố thuế quan bảo hộ đối ứng toàn cầu (ngày 2-4 vừa qua) và liên tục quả quyết không hoãn việc thực hiện áp thuế cho dù đã được nhiều đối tác yêu cầu. Cho nên chỉ qua đó thôi cũng đã đủ để có thể thấy được ngay là ông D.Trump đột ngột chuyển hướng cuộc thương chiến thuế quan bảo hộ vì nguyên do khác nhiều hơn và đúng hơn là bởi biện luận nói trên.
Trước hết là thuế quan đối ứng toàn cầu của ông D.Trump đã nhanh chóng gây ra tác động tiêu cực tới kinh tế thế giới, thị trường tài chính và chứng khoán toàn cầu, đặc biệt tới thị trường trái phiếu và tâm lý người dân nước Mỹ. Cái lợi bất cập hại và phản tác dụng đối với chính trị - xã hội, kinh tế và tài chính ở nước Mỹ đến mau lẹ hơn ông D.Trump và cộng sự mưu tính. Do đó, ông D.Trump buộc phải "cài số lùi" nhưng vẫn duy trì mức thuế quan 10% bởi không thể lùi hẳn về điểm xuất phát ban đầu. Qua đó, tránh tự làm tổn hại thể diện và ảnh hưởng đến uy danh cá nhân.
Hoãn áp thuế đối với các đối tác khác nhưng ông D.Trump lại buộc phải leo thang đối đầu thuế quan với Trung Quốc bởi Trung Quốc đã phản ứng đáp trả rất nhanh, mạnh mẽ, không khoan nhượng và dường như sẵn sàng chấp nhận chiến tranh thương mại với Mỹ. Cảm nhận chung của thế giới bên ngoài là Trung Quốc đã chuẩn bị rất kỹ càng và chu toàn cho việc bị chính quyền mới ở Mỹ khiêu chiến thương mại. Lùi bước hay nhượng bộ Trung Quốc đồng nghĩa với việc ông D.Trump sẽ bị coi là yếu thế và thất thế trước Trung Quốc. Và chiến lược áp thuế quan bảo hộ thương mại chỉ đe nẹt được những nền kinh tế nhỏ và không có những con chủ bài chơi ngang tầm với Mỹ. Ông D.Trump đình chiến thuế quan bảo hộ đối với hầu hết các nước nhưng đồng thời tiếp tục nhằm duy nhất vào Trung Quốc còn để ngăn cản Trung Quốc tạo dựng và phát huy hiệu ứng phất cờ tập hợp lực lượng đối phó chính quyền mới ở Mỹ. Ông D.Trump tiếp tục mạnh tay với Trung Quốc trong cuộc thương chiến thuế quan bảo hộ cũng để cảnh báo và răn đe tất cả những đối tác kinh tế và thương mại khác của Mỹ trên thế giới.
Diễn biến trên thị trường trái phiếu ở Mỹ trong những ngày vừa qua cũng tác động rất nhiều đến quyết định "cài số lùi" của ông D.Trump. Trong thời gian ngắn, hệ số lợi tức của trái phiếu nhà nước thời hạn 10 năm của Mỹ tăng lên mức 4,5%, với thời hạn 30 năm còn tăng lên đến 5% - chỉ trong vài ngày đã tăng 0,6% so với trước đó. Thị trường trái phiếu nhà nước biến động như thế thì doanh nghiệp vay thêm tiền cho đầu tư sản xuất kinh doanh sẽ thêm khó khăn. Đã thế lại còn thêm tác động tiêu cực của thuế quan bảo hộ thương mại. Nguy cơ kinh tế Mỹ sa vào suy thoái sẽ ngày càng gia tăng và trở nên thực tế hơn.
Trái phiếu nhà nước trong thực chất là vay nợ của Nhà nước Mỹ. Hệ số lợi tức cao ở trái phiếu nhà nước có nghĩa là Mỹ phải trả nhiều tiền lãi hơn trước cho trái phiếu nhà nước đã được phát hành. Tức là nợ công sẽ tăng. Chỉ trong mấy ngày qua, chi phí lãi suất và lợi tức cho khoản nợ công 36 nghìn tỷ USD của Nhà nước Mỹ đã tăng thêm 216 tỷ USD và tổng lãi suất mà Nhà nước Mỹ phải trả cho khoản vay nợ công đã lên tới gần 1.200 tỷ USD. Ông D.Trump có thu về được cho nước Mỹ bao nhiêu đi chăng nữa từ thuế quan bảo hộ thương mại thì cũng không thể bù đắp hết được cho khoản này.
Vì thế ông D.Trump phải tạm ngừng việc áp thuế quan bảo hộ thương mại ở mức độ cao đối với tất cả các đối tác kinh tế và thương mại của Mỹ trên thế giới. Nhưng tạm ngừng như thế không có nghĩa là sẽ không còn được tiếp tục. Khắc phục thâm hụt của Mỹ trong cán cân trao đổi thương mại với các đối tác bên ngoài chỉ là một mục tiêu mà vị tổng thống này theo đuổi. Ông D.Trump và cộng sự không nhìn nhận thâm hụt thương mại (nhập siêu) của Mỹ là yếu kém, là khả năng cạnh tranh quốc tế không cao nhất của hàng hóa và sản phẩm được sản xuất ở Mỹ mà coi đấy là hệ lụy của tình trạng Mỹ không được đối xử công bằng trong quan hệ thương mại, của việc hàng hóa, sản phẩm của Mỹ bị cạnh tranh không lành mạnh ở thị trường bên ngoài. Mỹ vẫn thường cáo buộc nhiều đối tác kinh tế và thương mại của Mỹ dựng hệ thống và mạng lưới rào cản thương mại phi thuế quan, thao túng tiền tệ, bù trợ xuất khẩu, trộm cắp phát minh sáng tạo và bí quyết công nghệ của Mỹ, vi phạm quy định về bảo hộ quyền sở hữu bản quyền trí tuệ...
Thuế quan bảo hộ thương mại được ông D.Trump và cộng sự chủ trương sử dụng không chỉ đơn thuần nhằm bảo hộ các ngành công nghiệp, sản xuất nông nghiệp hay dịch vụ của nước Mỹ mà còn để, nếu như không muốn nói rằng đây mới là mục đích chính, cấu trúc lại toàn bộ hệ thống quan hệ kinh tế - thương mại với tất cả các đối tác kinh tế - thương mại của Mỹ trên thế giới cũng như kiến tạo lại trật tự kinh tế - thương mại thế giới. Vì lý do này mà đề xuất của EU về việc hai bên cùng đưa thuế quan về 0% chứ không phải đàm phán về định hình lại toàn bộ mối quan hệ hợp tác giữa Mỹ và EU đã bị ông D.Trump và cộng sự gần như ngay lập tức bác bỏ.
Ông D.Trump không phải là người đầu tiên chơi con bài thuế quan bảo hộ thương mại ở nước Mỹ. Cách đây gần 100 năm, thuế quan bảo hộ thương mại ở Mỹ đã gây ra hậu quả thảm họa cho nước Mỹ và thế giới.
Năm 1930, Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật thuế quan Smoot - Hawley do hai Thượng nghị sĩ Willis C. Hawley và Reed Smoot khởi xướng nhằm bảo hộ kinh tế Mỹ trước những hàng hóa nhập khẩu mà sản phẩm của Mỹ không thể cạnh tranh nổi. Đạo luật này bị coi là tác nhân làm gia tăng mức độ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới và khiến thương mại thế giới suy sụp tới 60%. Hệ lụy tiếp theo thì ai cũng đã rõ. Mà đấy còn là ở thời trước toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Người dân Mỹ, ông D.Trump và cộng sự chắc chắn không quên chuyện đã từng xảy ra trên. Thuế quan bảo hộ thương mại dù vậy vẫn được ông D.Trump vận dụng vì muốn ép các đối tác phải đi vào đàm phán thương mại với Mỹ.
Các đối tác của Mỹ có những cách khác nhau trong ứng phó đòn thuế quan bảo hộ thương mại của ông D.Trump. EU và Trung Quốc chọn cách "ăn miếng trả miếng". Các đối tác khác tìm cách thương thảo và tăng cường tìm kiếm đối tác kinh tế - thương mại mới. Vị thế và thực lực, cân nhắc về lợi ích trước mắt và lâu dài, mức độ quan hệ với Mỹ cũng như bản lĩnh lãnh đạo quốc gia ở từng nơi quyết định đối sách của họ ứng phó chính quyền mới ở Mỹ nói chung và thuế quan bảo hộ thương mại của ông D.Trump nói riêng.
Việt Nam có cách ứng phó riêng bởi Việt Nam bị Mỹ áp thuế suất rất cao và xuất siêu trong trao đổi thương mại với Mỹ. Giữa Việt Nam và Mỹ lại đã có được khuôn khổ và cấp độ Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Tổng Bí thư Tô Lâm là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên điện đàm với Tổng thống D.Trump sau ngày Washington công bố mức áp thuế quan bảo hộ thương mại đối ứng toàn cầu. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã chủ trì hàng loạt cuộc họp với các thành viên chính phủ và với giới kinh tế trong nước cũng như nước ngoài để bàn cách ứng phó thách thức từ tình huống mới sao cho kịp thời và hiệu quả nhất.
Đặc phái viên của Tổng Bí thư Tô Lâm, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã sang Mỹ trao đổi với đại diện chính quyền Mỹ. Hai bên đã nhất trí khởi động quá trình đàm phán nhằm giải quyết tất cả những vấn đề đang đặt ra. Ngoại giao ở cấp cao đã phát huy tác dụng rất kịp thời và đúng lúc. Chính phủ hành động rất quyết liệt. Nghệ thuật ngoại giao "dĩ bất biến, ứng vạn biến" và "biết mình, biết người, biết thời thế, biết dừng và biết biến" chính là đấy. Lợi ích quốc gia trong bối cảnh tình hình mới đòi hỏi đối ngoại và đối nội phải như vậy.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.