Luận đàm thời sự

Vừa hậu thuẫn, vừa tiết chế

Đại sứ Trần Đức Mậu 17/11/2023 - 07:12

Sau gần 8 tháng chuẩn bị (từ tháng 3-2023), Liên minh châu Âu (EU) vừa hoàn chỉnh được những nội dung chính của quy định mới về bảo đảm cung ứng những nguyên, vật liệu quan trọng.

Khái niệm "bảo đảm cung ứng" ở đây bao gồm việc EU tăng mức độ tự chủ và giảm mức độ lệ thuộc vào cung ứng nguyên, vật liệu từ đối tác bên ngoài. Quy định này của EU được áp dụng cho các phương diện như nguồn cung ứng, sử dụng, tinh chế và tái sử dụng trong tất cả các công đoạn của chuỗi tạo ra giá trị. EU đặt ra những mục tiêu, tiêu chí và lộ trình thời gian cụ thể để việc cung ứng nguyên, vật liệu trong tương lai gần và từ đó trở đi không còn là rủi ro và gây hiểm họa đối với liên minh.

Có thể thấy thực tại đã buộc EU phải mưu tính lâu dài như vậy cho tương lai. Có 3 biến cố lớn thức tỉnh nhận thức và buộc EU phải có cách tiếp cận mới là đại dịch Covid-19, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, cũng như xung đột ở một số khu vực trên thế giới, và chính cuộc cạnh tranh chiến lược giữa EU với Trung Quốc. Cả 3 đều tác động tiêu cực tới chuỗi cung ứng toàn cầu và tới nguồn cung ứng nguyên vật liệu cho EU. Bài học mà EU rút ra được và cái giá mà EU phải trả cho cuộc chiến tranh năng lượng với Nga từ sau khi bùng nổ xung đột giữa Nga và Ukraine khiến EU hiểu rõ mức độ lệ thuộc hiện tại vào cung ứng nguyên, vật liệu từ các đối tác bên ngoài.

Nguyên, vật liệu có tầm quan trọng càng to lớn và có ý nghĩa càng chiến lược thì sự lệ thuộc này càng rủi ro, nguy hại đối với EU. Về đất hiếm chẳng hạn, EU phụ thuộc 100% vào cung ứng từ Trung Quốc. Hay như có những nguyên, vật liệu quan trọng mà EU phải nhập khẩu đến 90% từ một đối tác duy nhất. Trong quy định nói trên, EU liệt kê ra cụ thể 34 loại nguyên, vật liệu được xếp vào diện quan trọng thiết yếu và quan trọng chiến lược. Chỉ cần chuỗi cung ứng bị ngưng trệ hay đổ vỡ, chỉ cần mối quan hệ giữa EU với các đối tác cung ứng bị trắc trở và xấu đi thì việc cung ứng nguyên, vật liệu không còn được bảo đảm. Trong quan hệ chính trị đối ngoại và kinh tế đối ngoại giữa các quốc gia và đối tác trong thế giới hiện đại ngày nay, sự lệ thuộc luôn có thể dễ dàng bị chính trị hóa và công cụ hóa thành vũ khí đắc dụng gây áp lực và khó khăn, buộc quốc gia bị lệ thuộc vào cung ứng phải nhượng bộ.

Đối với EU, lo xa và nhìn xa, tính xa như thế vừa là việc không thể không làm lại vừa là toan tính rất đúng đắn và thực tế. Chỉ như thế mới có thể giúp EU vừa không tách biệt - chấm dứt hẳn quan hệ hợp tác với các đối tác bên ngoài - vừa có thể giảm thiểu rủi ro từ việc duy trì và thúc đẩy quan hệ hợp tác với các đối tác bên ngoài. Đa dạng hóa nguồn cung ứng, sử dụng nguyên, vật liệu tiết kiệm và hiệu quả, tái sử dụng, nghiên cứu phát minh và phát triển nguyên, vật liệu thay thế, đặt ra mục tiêu và thời hạn cụ thể mang tính bắt buộc đối với các thành viên là những định hướng chủ đạo trong quy định mới này của EU.

Một ẩn ý đi cùng của EU là liên minh này càng tự chủ về cung ứng nguyên, vật liệu thì các đối tác của EU càng phải nỗ lực “giữ chân” EU để vừa tiếp tục xuất khẩu được vừa vớt vát mức độ lệ thuộc nào đấy.

EU lại có quyết sách đúng đắn, thức thời và kịp thời, nhưng thực hiện thành công hay không lại là chuyện khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vừa hậu thuẫn, vừa tiết chế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.