(HNM) - Tác hại của chất thải nhựa đối với môi trường và cuộc sống con người là rất rõ ràng. Vì thế, việc UBND thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 3549/UBND-ĐT ngày 19-8-2019 về việc “Thực hiện các giải pháp giảm thiểu chất thải nhựa đối với các cơ quan hành chính nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc” là hành động có trách nhiệm, hiện thực hóa chỉ đạo của Chính phủ trong “cuộc chiến” chống rác thải nhựa, làm cho thế giới sạch hơn.
Sau gần 1 tháng triển khai (từ ngày 1-9-2019) chủ trương trên, tình hình chung cho thấy, các cơ quan hành chính nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp của thành phố Hà Nội đã vào cuộc chủ động, có trách nhiệm, tạo được nếp sống mới nơi công sở. Tuy nhiên, để hành động này trở thành việc làm thường xuyên và lan tỏa mạnh mẽ tới cộng đồng thì còn nhiều việc phải làm.
Trước hết, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong bộ máy cơ quan Đảng, hành chính, đoàn thể của thành phố ngoài việc gương mẫu thực hiện ở cơ quan cũng cần là những tuyên truyền viên tích cực, đi đầu trong hành động ở nơi mình sinh sống để người dân cùng làm theo. Những việc đơn giản như không dùng ống hút nhựa, sử dụng làn nhựa khi đi chợ để giảm việc sử dụng túi ni lông... rất hữu ích và không khó thực hiện nếu như mỗi người có ý thức tốt hơn.
Đặc biệt, việc đẩy mạnh tuyên truyền trong thế hệ trẻ tại các trường học; chú trọng nhấn mạnh vai trò gương mẫu của ông, bà, cha, mẹ trong mỗi gia đình khi ứng xử với đồ nhựa dùng một lần cần thực hiện tốt hơn nữa. Bởi mỗi hành động ngoài xã hội của trẻ luôn là tấm gương “phản chiếu” các hành vi của phụ huynh, người thân và không thể trách con trẻ nếu như người lớn không nêu gương.
Ngoài việc từ năm 2020 trở đi, Sở Tài chính không bố trí kinh phí cho các khoản chi trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp để mua sắm sản phẩm nhựa dùng một lần sử dụng trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo và hoạt động khác, rất cần đưa vào tiêu chí đánh giá thi đua hằng tháng, hằng quý và hằng năm với các bộ phận ở mỗi cơ quan nói riêng và người lao động nói chung trong vấn đề này. Bên cạnh đó, khi thanh tra công vụ định kỳ hoặc đột xuất, các đoàn kiểm tra của Sở Nội vụ Hà Nội, UBND các quận, huyện, thị xã cần đưa việc thực hiện theo Công văn số 3549/UBND-ĐT là một trong những tiêu chí đánh giá.
Về lâu dài, các cơ quan chuyên môn của thành phố cần đề xuất Chính phủ có thêm chính sách mạnh mẽ hơn để ngăn ngừa rác thải nhựa. Trong đó, chú trọng khuyến khích để các cơ sở sản xuất chuyển đổi mặt hàng thay thế túi ni lông, bao bì nhựa dùng một lần; nghiên cứu tăng thuế nhập khẩu với một số loại nguyên vật liệu dùng để sản xuất các sản phẩm túi nhựa. Đặc biệt, ngay cả khâu phân phối, lưu thông những sản phẩm này cũng cần được kiểm soát. Và việc không kém phần quan trọng cần làm là có lộ trình để các siêu thị, cửa hàng, nhà hàng không tiếp nhận và bán các sản phẩm dùng chai nhựa mới nhằm hạn chế những sản phẩm nhựa dùng một lần, tiến tới xóa bỏ khỏi đời sống.
Đồng thời, cần tiến tới đề xuất phải có đạo luật quốc gia về vấn đề chống rác thải nhựa, thậm chí trong luật cần đưa ra chi tiết các ngành hàng kinh doanh nào không được sử dụng vật đựng bằng nhựa dùng một lần, từ sản xuất đến tiêu thụ. Bởi nhìn ra thế giới có thể thấy, nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ đã kiên quyết tẩy chay đồ nhựa dùng một lần, cũng như phản đối việc sử dụng tràn lan túi ni lông, điển hình như Pháp, Mỹ, Canada, Đài Loan (Trung Quốc)...
Hạn chế tối đa phát thải rác nhựa chính là hành động có trách nhiệm mà mỗi người đều có thể làm vì sự phát triển bền vững của Thủ đô và đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.