Theo dõi Báo Hànộimới trên

Củng cố tuyến đầu y tế

Hà Trang| 15/04/2023 06:03

(HNM) - Với hơn 11 nghìn trạm y tế xã, phường, thị trấn…, mạng lưới y tế cơ sở luôn được kỳ vọng là tuyến đầu vững chắc, “người gác cổng” trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, trên thực tế, mạng lưới y tế cơ sở và y tế dự phòng chưa thích ứng kịp với sự thay đổi của cơ cấu bệnh tật, sự phát triển của xã hội, cũng như chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

Nghị quyết số 20-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, đã chỉ rõ: “Y tế cơ sở là nền tảng, y tế dự phòng là then chốt”. Nhưng hiện một số cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ về vai trò và tầm quan trọng của y tế cơ sở, y tế dự phòng, nên việc thực hiện cơ chế, chính sách chưa đồng đều. Chất lượng công tác khám, chữa bệnh còn hạn chế, nhất là ở các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa do thiếu cán bộ y tế. Cả nước vẫn còn khoảng 20% tổng số xã chưa có bác sĩ, phải luân phiên bác sĩ từ tuyến huyện về khám, chữa bệnh. Tình trạng khám, chữa bệnh vượt tuyến chưa được khắc phục triệt để. Hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở và y tế dự phòng ở nhiều nơi bộc lộ tồn tại, yếu kém, chưa đủ khả năng ứng phó các tình huống khi xảy ra dịch bệnh lớn...

Y tế cơ sở, y tế dự phòng là nền tảng, xương sống của hệ thống y tế, trực tiếp gần dân nhất, nơi các tầng lớp nhân dân dễ tiếp cận các dịch vụ khám, chữa bệnh với chi phí thấp, góp phần tạo công bằng xã hội và giảm tải cho bệnh viện tuyến trên. Chính vì vậy, để khắc phục những yếu kém nêu trên, thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục thực hiện theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 20-NQ/TƯ, đó là: Nghề y là nghề đặc biệt, cần được đãi ngộ đặc biệt, cần có sự kết hợp giữa ngân sách nhà nước với thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, bảo đảm tiền lương, phụ cấp, đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân lực y tế cơ sở để duy trì, thu hút và tạo động lực phát triển y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Các địa phương cần có những chủ trương, chương trình, dự án đầu tư công để xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho y tế cơ sở, y tế dự phòng; bảo đảm đến năm 2030, trạm y tế phủ kín 100% số xã và đến năm 2035, 100% các đơn vị y tế dự phòng tuyến trung ương, 100% trung tâm kiểm soát bệnh tật tuyến tỉnh, trung tâm y tế huyện được xây dựng kiên cố và có đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị theo tiêu chí của từng khu vực và nhiệm vụ được giao.

Việt Nam có mạng lưới y tế cơ sở quy mô hàng đầu thế giới với hệ thống trạm y tế được tổ chức đến tận các xã, phường, thị trấn. Đây là mô hình nhiều quốc gia phát triển cũng chưa có được. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thời gian tới, việc khám chữa bệnh ban đầu cần được xây dựng theo mô hình hoạt động y học gia đình, kết hợp cả khu vực tư nhân và hệ thống trạm y tế. Đặc biệt, phải xây dựng được sự kết nối giữa cấp khám, chữa bệnh ban đầu và các tuyến trên; quản lý bệnh nhân theo chiều dọc cả về chuyên môn, hồ sơ bệnh án; hài hòa về nguồn thu giữa các tuyến, bảo đảm sự phát triển bền vững của hệ thống... Có như vậy, y tế cơ sở, y tế dự phòng mới thực sự là nền tảng, là then chốt và ngành Y tế mới đủ sức gánh vác sứ mệnh đặc biệt là chăm lo sức khỏe nhân dân, góp phần bảo đảm an sinh, an toàn xã hội và phát triển bền vững đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Củng cố tuyến đầu y tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.