(HNM) - Thị trường bất động sản liên tục chững lại và suy giảm nhẹ từ đầu năm đến nay. Để vực dậy thị trường, ngoài nỗ lực của chủ đầu tư về cơ cấu phân khúc, chất lượng, giá bán, còn cần những biện pháp quyết liệt của cơ quan chức năng...
Theo khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường bất động sản CBRE Việt Nam, thị trường căn hộ bán ra trong quý III-2017 vẫn tiếp tục suy giảm ở cả 3 yếu tố: Số lượng mở bán, số căn hộ bán ra và giá trung bình chung. Theo đó, trong quý III chỉ có 21 dự án được mở bán với 7.651 căn, giảm 20% so với quý trước và 9% so với cùng kỳ năm 2016. Phân khúc trung cấp chiếm 60% tổng số căn chào bán mới trong quý, trong khi đó phân khúc cao cấp giảm đến 32% so với lượng mở bán trong quý II-2017. Quý III cũng ghi nhận chỉ có 7.207 căn bán ra, giảm 25% so với quý II-2017 và 9% so với cùng kỳ. Theo lý giải của CBRE Việt Nam, sự sụt giảm mạnh về giá so với năm trước là do nguồn cung phân khúc trung cấp tăng, cao cấp giảm nên kéo giá trung bình chung xuống thấp.
Khảo sát thực tế trên thị trường cho thấy, giá căn hộ có xu hướng chững lại. Dù không công bố giảm giá, nhưng nhiều chủ đầu tư các dự án cao cấp đã tăng cường ưu đãi cho người mua. Ngoài các mức ưu đãi thường xuyên từ trước đến nay, như: Tặng gói nội thất bếp, máy điều hòa trị giá cả trăm triệu đồng; lãi suất 0% trong những năm đầu tiên, kéo dài thời gian thanh toán; cam kết cho thuê lại với tỷ lệ lợi nhuận nhất định; trúng thưởng căn hộ, ô tô trị giá cả tỷ đồng... Ngoài ra, hiện một số dự án lớn đã “mạnh tay” công bố chiết khấu trực tiếp 5%-7% giá trị căn hộ, có dự án lên đến 9% trong những ngày mở bán ưu tiên…
Theo các chuyên gia bất động sản, thanh khoản chậm lại cộng với nguồn cung dồi dào dẫn tới việc cạnh tranh ngày càng gay gắt, vì vậy, để bán được hàng, giảm tồn kho, giảm áp lực lãi vay, các chủ đầu tư sẽ đẩy mạnh ưu đãi vào các yếu tố bán hàng. Về người mua nhà, không chỉ quan tâm đến chất lượng, giá cả mà các yếu tố khác trong quá trình ở, vận hành… tác động khá lớn khi quyết định mua một căn hộ. Một số người mua nhà cho biết, căn hộ là tài sản lớn và gắn bó suốt đời với họ nên khi xem xét để mua phải cẩn trọng.
Tìm mua một căn hộ từ hai tháng qua nhưng vẫn chưa được, vợ chồng anh Phan Văn Nguyên (làm việc tại quận 3, TP Hồ Chí Minh) cho biết, thông tin tranh chấp giữa cư dân và các chủ đầu tư dự án quá nhiều trong thời gian gần đây khiến gia đình anh dù đã dành dụm đủ tiền nhưng lưỡng lự không biết nên mua căn hộ hay tích lũy thêm để mua đất nền.
Theo Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoReA), tình hình tranh chấp trong chung cư vẫn tiếp tục gia tăng, chủ yếu là về quỹ bảo trì chung cư, phần sở hữu chung; quản lý sử dụng nguồn thu phí vận hành; chất lượng xây dựng; đặc biệt gay gắt là nhiều trường hợp chủ đầu tư không làm sổ đỏ cho người mua nhà...
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết, theo thống kê hiện có khoảng 8%-10% số lượng chung cư trên địa bàn thành phố đang diễn ra tranh chấp. Có nhiều nguyên nhân, tuy nhiên chủ yếu xoay quanh lợi ích liên quan đến công tác quản lý điều hành, trong đó tập trung vào kinh phí vận hành. “Có những nơi kinh phí quản lý điều hành lên đến 50-70 tỷ đồng, nên rất dễ dẫn đến tranh chấp nếu quản lý không tốt”, ông Tuấn cho biết. Để hạn chế tranh chấp chung cư, theo ông Tuấn, Sở Xây dựng sẽ tiếp tục phân loại các vụ tranh chấp để tập trung xử lý, đồng thời phối hợp với các quận, huyện tập huấn cho các Ban Quản trị, đơn vị vận hành nhằm quản lý chung cư tốt hơn…
Theo các chuyên gia kinh tế, “trong cái rủi có cái may”, thị trường đang chững lại khiến chủ đầu tư dự án phải đầu tư đúng vào phân khúc có nhu cầu thật, chất lượng tốt và cơ cấu lại giá bán phù hợp hơn, điều chỉnh thị trường phát triển bền vững. Tuy nhiên, để vực dậy thị trường bất động sản, không tiếp tục rơi vào trầm lắng, ngoài sự nỗ lực của chủ đầu tư, rất cần sự quản lý chặt chẽ, đồng bộ hơn của cơ quan chức năng để thêm niềm tin cho người mua nhà.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.