Theo dõi Báo Hànộimới trên

Củng cố niềm tin

Tuấn Kiệt| 02/08/2014 05:46

(HNM) - Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's vừa thông báo việc nâng mức tín nhiệm của Việt Nam (đối với trái phiếu của Chính phủ) lên 1 bậc, từ mức B2 lên B1 và mức triển vọng được đánh giá là ổn định.


Hiểu một cách đơn giản, hệ số tín nhiệm này là chỉ số phản ánh mức độ sẵn sàng của một nền kinh tế. Nó được các nhà đầu tư xem xét như một yếu tố để xác định mức độ rủi ro và khả năng sinh lời trước khi có quyết định đầu tư vào quốc gia đó. Tức là mức tín nhiệm càng cao thì thể hiện khả năng và sự sẵn sàng thực hiện các nghĩa vụ càng cao, mức độ rủi ro giảm. Đạt mức tín nhiệm cao thì uy tín trên thương trường quốc tế cũng sẽ được nâng lên.

Mức độ tín nhiệm của Việt Nam được đánh giá tốt thì việc đầu tiên phải ghi nhận đó chính là tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam ổn định hơn, với chỉ số giá cả được duy trì dưới mức 7,5% trong 26 tháng liên tiếp. Một quãng thời gian dài nhất kể từ năm 2000 lạm phát được duy trì ở mức thấp.

Có thể nói, nếu thực sự cần một tiêu chí đánh giá hay so sánh thì đây sẽ là thang bậc tốt. Song dĩ nhiên, cũng có thể thấy rằng việc tăng hay hạ trong đánh giá của Moody's dường như cũng chỉ mang tính chất tham khảo. Bởi bản chất vấn đề vẫn phải là môi trường thực thụ của nền kinh tế Việt Nam đã và sẽ ổn định đến mức nào, kéo dài trong bao lâu. Đặt ra vấn đề này là hoàn toàn có cơ sở khi rủi ro từ khu vực doanh nghiệp nhà nước vẫn còn và ngân sách chính phủ cũng liên tục suy giảm những năm qua do nguồn thu yếu. Và tất nhiên, nâng lên được thì cũng hạ xuống được. Chỉ số xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam hoàn toàn có thể bị đánh tụt bất cứ lúc nào nếu bất ổn vĩ mô tái diễn. Chính Moody's cũng cho rằng mức vốn hiện tại trong hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn chưa tương xứng, đặc biệt khi chất lượng tài sản còn yếu.

Có thể coi mức độ "ấm lên" của nền kinh tế qua các bảng xếp hạng từ đó làm cơ sở để củng cố niềm tin cho nhà đầu tư. Song, cũng cần thấy rằng, đây chưa hẳn là vấn đề quan trọng nhất. Bởi nhìn nhận từ thực tế thì niềm tin của cả xã hội lúc này mới là vấn đề đáng quan tâm hơn cả, chứ không chỉ đơn giản là thứ hạng trong một bảng tổng sắp. Tuy được đánh giá cao trong danh sách xếp hạng nhưng thực tế môi trường sản xuất, kinh doanh, khả năng thích ứng quốc tế và ngay cả khả năng cạnh tranh trong nước còn yếu kém thì niềm tin chắc chắn sẽ không bền vững.

Thực tế ở nhiều mảng, nhiều ngành khả năng đáp ứng của Việt Nam vẫn rất hạn chế. Chẳng hạn, chúng ta đang là quốc gia đứng nhất nhì về xuất khẩu gạo. Nhưng nếu hỏi rằng thị trường cho sản phẩm này đã ổn định chưa thì câu trả lời chắc chắn là chưa. Sự bấp bênh vốn từ lâu vẫn tồn tại ngay từ khâu sản xuất đến khâu chế biến, xuất khẩu. Hay với một lĩnh vực khá thời thượng như sản xuất ô tô. Mặc dù chúng ta đang có tới hàng trăm nhà máy sản xuất phụ tùng, lắp ráp nhưng chỉ đơn giản nhất là mới đây thông tin nước láng giềng Campuchia (vốn được đánh giá thấp hơn ta) bất ngờ vượt ta về công nghệ tự sản xuất xe ô tô điện khiến không ít người ngỡ ngàng.

Rõ ràng, dù được nâng mức đánh giá tín nhiệm nhưng vấn đề đang đặt ra là vẫn cần phải có những cải cách mạnh mẽ, quyết liệt hơn cho nền kinh tế. Tái cơ cấu các ngành, tập đoàn kinh tế trọng điểm được cho là một bước đi quan trọng. Nhưng trên tất cả là yêu cầu tiếp tục củng cố và giữ vững tính ổn định của kinh tế vĩ mô, tạo niềm tin vững chắc hơn nữa với các nhà đầu tư. Điều này không chỉ tạo cơ hội cho sự tăng trưởng mà sẽ giúp duy trì và nâng cao hơn nữa chỉ số niềm tin của Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Củng cố niềm tin

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.