Kinh tế

Củng cố động lực tăng trưởng cũ, khai thác động lực tăng trưởng mới

Mai Hữu 19/09/2023 - 18:50

Chiều 19-9, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 đã diễn ra Phiên toàn thể (Tọa đàm cấp cao) với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững”.

toancanh.jpg
Quang cảnh phiên toàn thể diễn đàn.

Điều hành Phiên toàn thể có các Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

canvanluc.jpg
Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV Cấn Văn Lực tham luận tại diễn đàn.

Dự báo tăng trưởng 6-6,5% năm 2024 và 2025

Tham luận về chủ đề “Động lực tăng trưởng và phát triển bền vững trong bối cảnh mới (đến năm 2025 và hướng đến năm 2030)”, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV Cấn Văn Lực cho biết, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 dự báo theo kịch bản cơ sở là 5,2-5,5%. Với kịch bản tiêu cực là kinh tế thế giới suy thoái nặng hơn, tận dụng được ít các cơ hội từ các động lực tăng trưởng mới, tăng trưởng dự báo là 4,4-4,5%. Tuy nhiên, với kịch bản tích cực là kinh tế thế giới sớm phục hồi, và khai thác được các động lực tăng trưởng mới, tăng trưởng có thể đạt 5,5-6%. Đối với năm 2024 và 2025, theo kịch bản cơ sở, dự báo tình hình kinh tế thế giới từng bước phục hồi, lạm phát được kiếm chế và dần về mức dưới 3% năm 2025, khi đó, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự báo đạt khoảng 6% năm 2024 và 6,5% năm 2025.

“Trong thời gian tới, cơ hội và thách thức đan xen, vì vậy muốn lấy lại đà phát triển nhanh và bền vững đòi hỏi Quốc hội và Chính phủ cần thực hiện nhiều chính sách, giải pháp vừa bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao khả năng chống chịu, củng cố các động lực tăng trưởng truyền thống vừa tạo không gian đủ rộng để khai thác hiệu quả các mô hình, động lực tăng trưởng mới, cho cả trước mắt và lâu dài”, ông Cấn Văn Lực nói.

tranthihongminh.jpg
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Trần Thị Hồng Minh trình bày tham luận.

Trình bày tham luận về “Cơ cấu lại nền kinh tế 2021-2025: Vai trò quan trọng trong phát huy năng lực nội sinh, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Trần Thị Hồng Minh nêu rõ, Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển, có khát vọng phát triển với tầm nhìn 2045, và lại ở một khu vực châu Á - Thái Bình Dương phát triển năng động. Chính vì vậy, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn và an sinh xã hội chính là những nền tảng không thể thiếu, song vẫn phải phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu đề ra, trong đó có thúc đẩy tăng trưởng kinh tế có chất lượng, có tính bền vững.

Trình bày tham luận “Chuyển đổi xanh và thách thức tăng trưởng kinh tế trung hạn”, giảng viên Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (Đại học Fulbright Việt Nam) Nguyễn Xuân Thành cho rằng, nền kinh tế Việt Nam hiện đang đứng trước những thách thức rất lớn trong ngắn hạn và trung hạn về mặt tốc độ tăng trưởng. Ngay cả khi không có nhiều thay đổi về cơ cấu kinh tế và phát huy được tác động tích cực của một số động lực tăng trưởng mới thì việc đạt mục tiêu GDP tăng trưởng bình quân 6,5% trong giai đoạn 2021-2025 là vô cùng khó khăn.

bantron2.jpg
Phiên tọa đàm bàn tròn cấp cao.

Tăng cường năng lực nội sinh từ thể chế, chính sách

Sau phiên toàn thể, diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 tiến hành phiên tọa đàm bàn tròn cấp cao.

Trao đổi về những thành tựu và những hạn chế của nền kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung cho rằng, trong cái khó khăn luôn luôn “ló” ra những cơ hội, nhà nước phải tạo môi trường để doanh nghiệp nắm bắt cơ hội đó. Trong đó phải kể đến cải cách môi trường kinh doanh, tháo bỏ rào cản; giúp doanh nghiệp giảm chi phí, miễn phí, miễn thuế; các văn bản, chính sách phải công khai, minh bạch, bảo đảm tính chuẩn xác”, ông Nguyễn Đình Cung nói.

Về chính sách cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ các rào cản liên quan đến điều kiện kinh doanh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, cần huy động năng lực nội sinh của nền kinh tế, trong đó vai trò của doanh nghiệp rất quan trọng. Muốn vậy, cần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao rà soát, cắt giảm thủ tục không cần thiết để giảm chi phí cho doanh nghiệp, giảm gánh nặng cho doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do Quốc hội ban hành đã phát huy tích cực. Các chính sách điều chỉnh khoản nợ, giãn cách thời gian trả nợ; chính sách tài khóa cũng được áp dụng nhanh chóng và dễ đi vào cuộc sống, nhờ vậy tạo dòng tiền cho doanh nghiệp. Đây cũng là hai chính sách có tiến độ thực hiện nhanh và tốc độ lan tỏa trong đời sống.

bantron3.jpg
Các diễn giả thảo luận tại tọa đàm cấp cao.

Đưa ra những điểm nổi bật nhất trong triển khai chính sách từ đầu năm đến nay liên quan đến vấn đề an sinh và bảo đảm cơ hội việc làm cho người lao động, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi cho biết, nhiều chính sách đã được ban hành nhằm kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19, hỗ trợ người lao động, người nghèo, lao động bị mất việc làm, hỗ trợ vốn vay cho khu vực phi kết cấu trong tiếp cận vốn, tín dụng.

Cùng với đó, chú trọng phát triển thị trường mới, duy trì tỷ lệ thất nghiệp thấp nhờ có các công cụ và giải pháp can thiệp vào thị trường lao động. Đối với lao động di chuyển về khu vực nông thôn cũng có kịp thời các gói tín dụng để phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn.

Với các chính sách về bảo hiểm y tế cũng được thực hiện tốt, với tỷ lệ tiếp cận 87%; các chính sách hỗ trợ giáo dục và đào tạo được triển khai từ mầm non tới đại học, đào tạo nghề; hỗ trợ sinh viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn được triển khai hiệu quả… "Khó khăn lớn nhất về an sinh xã hội là thiên tai dịch bệnh bất thường và tốc độ già hóa dân số khá nhanh. Vì vậy, hiện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã đề xuất các cơ chế chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho người cao tuổi phù hợp với sức khỏe và kinh nghiệm của từng đối tượng…”, ông Nguyễn Văn Hồi nói.

vuongdinhhue1(1).jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc diễn đàn.

Vấn đề cấp bách nhưng cũng là hành trình dài hạn

Phát biểu bế mạc diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, sau một ngày làm việc sôi nổi, trách nhiệm và khẩn trương, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 đã hoàn thành nội dung chương trình đề ra và thành công tốt đẹp. “Diễn đàn đã có sự lan tỏa tích cực, thực sự đã trở thành một trung tâm thông tin đa chiều và toàn diện”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Ghi nhận những kết quả của diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội cho biết, diễn đàn đã dành nhiều thời gian trọng tâm vào các vấn đề kinh tế - xã hội mang tính thời sự, ngắn hạn, đồng thời tiếp cận các vấn đề lớn, mang tính bao quát, những xu hướng mới định hình của thế giới, các động lực, các hướng đi mới cho tăng trưởng và phát triển bền vững của Việt Nam.

Xét về ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn, Việt Nam đều cần tập trung phát huy tối đa “nội lực”, trong đó đề cao, coi trọng năng lực nội sinh; tranh thủ, khai thác hiệu quả “ngoại lực”, kiến tạo động lực tăng trưởng mới, là “chìa khóa” để thích ứng, chống chọi và phát triển trong bối cảnh mới nhiều biến động, rủi ro ngày càng gia tăng. “Đây là những nội dung hết sức quan trọng trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và cũng là thông điệp xuyên suốt, nhất quán, gắn liền với chủ đề của Diễn đàn hôm nay”, đồng chí Vương Đình Huệ nói.

toancanh2(1).jpg
Toàn cảnh bế mạc diễn đàn.

Tóm tắt lại một số nội dung chính đã được các đại biểu tập trung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, các ý kiến tại diễn đàn cũng thống nhất và nhấn mạnh rằng cần phải “làm mới” các động lực tăng trưởng cũ, các động lực tăng trưởng truyền thống trên cơ sở ban hành, thực thi khuôn khổ chính sách, pháp luật để khuyến khích các thay đổi hành vi trong cả tiêu dùng, sản xuất và đầu tư.

Bên cạnh củng cố, làm mới các động lực tăng trưởng hiện hữu, diễn đàn cũng nhấn mạnh phải phát hiện, khai thác hiệu quả những động lực tăng trưởng mới, đặc biệt là các động lực như phát triển kinh tế số, tăng năng suất lao động và năng suất các yếu tố tổng hợp, sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế, nhất là cho chuyển đổi số một cách bền vững, an toàn, chuyển đổi năng lượng công bằng, thích ứng biến đổi khí hậu…

Các đại biểu cho rằng bài toán phát huy nội lực, nâng cao năng lực nội sinh của doanh nghiệp, của nền kinh tế, đồng thời vận dụng hiệu quả các yếu tố “ngoại lực” và kiến tạo các động lực mới cho tăng trưởng là yếu tố mấu chốt, đem lại sức mạnh cộng hưởng nhằm hướng tới phục hồi và phát nền kinh tế nhanh và bền vững. Khẳng định đây là vấn đề cấp bách nhưng cũng là hành trình dài hạn, đòi hỏi cần đồng bộ các chính sách, xác định rõ ưu tiên, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, tranh thủ thời gian, tận dụng mọi cơ hội, lợi thế để tạo bứt phá ngay trong nội tại nền kinh tế, nâng cao sức chống chịu trước các cú sốc và thách thức trong bối cảnh mới.

Ngay sau khi kết thúc diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội cho biết Ban Tổ chức sẽ có báo cáo tổng thuật với đầy đủ kết quả của diễn đàn gửi đến các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ để nghiên cứu, hoạch định các chủ trương, chính sách, định hướng về phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, gửi đến các vị đại biểu Quốc hội nghiên cứu, tham khảo để chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho các nội dung sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV vào tháng 10 sắp tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Củng cố động lực tăng trưởng cũ, khai thác động lực tăng trưởng mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.