Theo dõi Báo Hànộimới trên

Củng cố điểm tựa an sinh của người lao động

Minh Vũ| 14/04/2023 07:37

(HNM) - Chế độ ốm đau, thai sản ở nước ta ra đời sớm, có vai trò bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản. Để củng cố điểm tựa an sinh của người lao động, chế độ này được nghiên cứu điều chỉnh theo hướng tăng hấp dẫn, mở rộng đối tượng thụ hưởng.

Tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người dân tại huyện Thạch Thất.

Theo các quy định hiện hành, đại đa số người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trong độ tuổi (gồm cả nam và nữ) đều thuộc đối tượng hưởng chế độ ốm đau, thai sản. Nổi bật là chế độ dành cho lao động nữ sinh con, có mức hưởng thai sản bằng 100% tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian sinh con, nuôi con nhỏ, hiện tương đương với 6 tháng làm việc, góp phần giúp họ yên tâm nghỉ ngơi, chăm sóc con nhỏ. “Nhu cầu chi tiêu trong thời gian thai sản tăng lên cao, trong khi người lao động phải nghỉ làm. Vì thế, số tiền trợ cấp thai sản rất đáng quý, tạo điều kiện cho trẻ em được chăm sóc tốt ngay từ khi sinh ra”, chị Nguyễn Thị Lan Hương, trú tại xã Kim Chung (huyện Đông Anh) cho hay.

Đáng chú ý, điều kiện hưởng chế độ ốm đau, thai sản cũng mở rộng hơn so với nhiều năm trước khi Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành quy định thời gian nghỉ hưởng trợ cấp thai sản đối với người mang thai hộ, người mẹ nhờ mang thai hộ, người nhận nuôi con nuôi sơ sinh…

Việc nới lỏng điều kiện hưởng góp phần đưa chế độ ốm đau, thai sản đến với nhiều người. Nếu như năm 2021, ngành Bảo hiểm xã hội giải quyết chế độ và chi trả cho hơn 7,8 triệu lượt người hưởng ốm đau, thai sản, thì đến năm 2022, con số này tăng lên gần 11 triệu lượt người. Quý I-2023, số người hưởng trợ cấp ốm đau, thai sản tiếp tục tăng so với cùng kỳ những năm trước…

Tuy nhiên, chế độ ốm đau, thai sản ở nước ta hiện nay còn chưa mở rộng đến nhóm người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Với bảo hiểm xã hội bắt buộc, đối tượng tham gia là những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn hưởng ít quyền lợi ốm đau, thai sản hơn những nhóm đối tượng khác… “Khi tham gia bảo hiểm xã hội, ai cũng mong muốn được bảo đảm các quyền lợi cả về trước mắt và lâu dài. Tuy nhiên, bảo hiểm xã hội tự nguyện mới có chế độ hưu trí và tử tuất, khiến chúng tôi chưa thấy hấp dẫn, nên chưa tham gia”, chị Lê Thị Thanh Hà, bán hàng tại chợ Văn La, phường Phú La (quận Hà Đông) bày tỏ.

Nghiên cứu về chính sách bảo hiểm xã hội, ông Nguyễn Xuân Tiệp, giảng viên Khoa Bảo hiểm (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, chế độ ốm đau, thai sản cần được tiếp tục được nghiên cứu để hoàn thiện theo hướng mở rộng đối tượng áp dụng, tăng mức thụ hưởng, hướng tới việc bảo vệ tối đa quyền và lợi ích của người lao động. Chẳng hạn, quy định cho phép lao động nữ mang thai được nghỉ khám thai 5 lần hiện nay, nên được tăng lên thành 9 lần trong thời gian thai kỳ, bảo đảm mỗi tháng mang thai, lao động nữ được nghỉ đi khám thai một lần…

Nhằm khắc phục những vấn đề còn tồn tại, trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất bổ sung hưởng đầy đủ các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách tại xã, phường, thị trấn, tương tự đối tượng cán bộ, công chức làm việc tại xã, phường, thị trấn; đồng thời bổ sung chế độ này với đối tượng là chủ hộ kinh doanh, người làm việc không trọn thời gian…

Đặc biệt, chế độ thai sản được đề xuất mở rộng đến đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Điều kiện hưởng là lao động nữ sinh con; lao động nam đang tham gia bảo hiểm xã hội có vợ sinh con đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con. Mức hưởng là 2 triệu đồng cho các đối tượng thụ hưởng. Trường hợp chỉ có mẹ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, mà người mẹ không may qua đời sau khi sinh con, thì người bố hoặc người nuôi dưỡng đứa trẻ mới sinh sẽ hưởng chế độ...

Điều kiện và thời gian hưởng các chế độ cũng có sự điều chỉnh theo hướng tăng quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm xã hội. Trao đổi về những điểm mới, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Nguyễn Duy Cường cho biết, cơ quan soạn thảo luôn lắng nghe, tiếp thu những ý kiến góp ý để tiếp tục hoàn thiện chế độ ốm đau, thai sản cho phù hợp với bối cảnh xã hội hiện nay, mang lại lợi ích hài hòa cho nhiều phía.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Củng cố điểm tựa an sinh của người lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.