(HNM) - Hiện tại, số người bị ảnh hưởng về việc làm, đời sống do dịch Covid-19 tuy đã giảm, song vẫn còn nhiều và để lại hậu quả dai dẳng. Trong bối cảnh đó, ngành Bảo hiểm xã hội luôn chú trọng giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách, bảo đảm quyền lợi cho lao động tham gia bảo hiểm xã hội, góp phần tạo điểm tựa an sinh cho họ vượt qua giai đoạn khó khăn.
Nỗ lực vượt khó
Theo Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê) Phạm Hoài Nam, trong quý I-2022, số người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 giảm 7,8 triệu người so với cuối năm 2021, đời sống, thu nhập của người lao động dần ổn định. Song, cả nước vẫn còn hơn 16,9 triệu người bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch, trong đó có 0,9 triệu người bị mất việc làm, hơn 5,1 triệu người phải tạm nghỉ, tạm ngừng sản xuất, kinh doanh...
Số người bị ảnh hưởng về việc làm còn nhiều là yếu tố khách quan dẫn đến số người rời khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội vẫn cao. Cùng với đó là việc phát triển mới số người tham gia bảo hiểm xã hội gặp không ít khó khăn. Nhằm góp phần tạo điểm tựa an sinh cho người dân, người lao động, ngành Bảo hiểm xã hội nỗ lực vượt khó bằng nhiều giải pháp.
Chánh Văn phòng Bảo hiểm xã hội Việt Nam Chu Mạnh Sinh cho hay, đến cuối tháng 4-2022, cả nước có hơn 16,8 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, đạt gần 33,26% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng gần 276.000 người so với cuối năm 2021. Đáng chú ý, người lao động được tiếp cận, thụ hưởng kịp thời các chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội ngày càng tăng, với hơn 3,4 triệu lượt người được giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội trong 4 tháng đầu năm nay.
Còn Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Đinh Thị Thu Hiền cho biết, lũy kế 4 tháng đầu năm nay, ngành giải quyết chế độ ốm đau cho hơn 2,2 triệu người, trong đó có hơn 1,45 triệu người mắc Covid-19, với số tiền hơn 1.900 tỷ đồng. Như vậy, trung bình mỗi tháng, số người được giải quyết chế độ ốm đau tăng khoảng 124-200%, còn số tiền chi trả chế độ ốm đau tăng khoảng 300-450% so với cùng kỳ năm trước...
Chính sách bảo hiểm xã hội đã giúp hàng triệu lượt người tham gia bảo hiểm xã hội có điểm tựa vươn lên. Anh Nguyễn Quang Hòa, công nhân một nhà máy sản xuất linh kiện điện tử thuộc Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (huyện Đông Anh) chia sẻ: “Cuối năm 2021, tôi được hỗ trợ hơn 3 triệu đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, tháng 4 vừa qua lại được nhận hơn 1,5 triệu đồng tiền hỗ trợ ốm đau. Số tiền đó đã giúp chúng tôi yên tâm gắn bó lâu dài với công việc để được hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động".
Kiên trì mục tiêu bảo đảm an sinh
Phát huy vai trò là trụ cột của hệ thống an sinh, ngành Bảo hiểm xã hội đang nỗ lực giữ người dân ở lại hệ thống, đồng thời kiên trì mục tiêu mở rộng, thu hút người mới tham gia. Toàn ngành đã tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu việc rút bảo hiểm xã hội một lần chỉ có lợi trước mắt mà ảnh hưởng đến các quyền và lợi ích lâu dài. Nhờ đó, số người rút bảo hiểm xã hội một lần giảm dần, riêng tháng 4-2022 giảm 10% so với cùng thời điểm năm 2021.
Góp phần bảo đảm đời sống cho người lao động, ngành Bảo hiểm xã hội cùng các cơ quan liên quan đang rà soát những trường hợp đủ điều kiện hỗ trợ tiền thuê nhà, bảo đảm nguồn hỗ trợ đến đúng người, đúng đối tượng trong thời gian sớm nhất. Chị Đỗ Thị Quyên, đang làm việc tại một doanh nghiệp thuộc Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh) bày tỏ: “Chúng tôi rất vui khi người lao động tham gia bảo hiểm xã hội là đối tượng được hỗ trợ tiền thuê nhà. Đó là sự chia sẻ với người lao động lúc khó khăn”.
Để tăng sức hấp dẫn của chính sách, qua đó thu hút ngày càng nhiều người trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm xã hội, ngành Bảo hiểm xã hội tập trung phát triển số người tham gia mới ở những địa phương có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bình Dương... Với bảo hiểm xã hội tự nguyện, toàn ngành tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới công tác truyền thông, tập trung phát triển số người tham gia theo nhóm nhỏ; hỗ trợ một phần mức đóng cho các trường hợp tham gia. Đối tượng hướng đến là người làm công việc tự do, làm nông nghiệp... Theo hướng này, số người tham gia bảo hiểm xã hội tại các địa phương có xu hướng tăng. Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Hòa cho biết, thời gian gần đây, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thường xuyên tăng từ 25% đến 30%...
Thông qua nhiều chính sách, giải pháp được triển khai bài bản, đồng bộ, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh tin tưởng, đến cuối năm nay, cả nước có khoảng 37-38% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội. Quyền lợi của người tham gia ngày càng được bảo đảm tốt hơn, góp phần chăm lo đời sống cho người lao động nói riêng, bảo đảm an sinh xã hội nói chung.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.