(HNM) - Gần một tháng qua, kể từ khi Việt Nam phát hiện trường hợp đầu tiên dương tính với Covid-19, những y, bác sĩ - “chiến sĩ” áo trắng đã chẳng quản ngại đêm, ngày, khó khăn, vất vả và cả những nỗi niềm riêng tư, có mặt ở tuyến đầu chống dịch bằng sự lặng thầm hy sinh, cống hiến với tất cả trách nhiệm, tình thương.
Trên thực tế, những ngày đầu phát hiện, tiếp nhận bệnh nhân nhiễm Covid-19, bản thân nhiều y, bác sĩ cũng có không ít băn khoăn, nhất là khi ở nước bạn Trung Quốc đã có bác sĩ nhiễm loại vi rút quái ác này. Thế nhưng, nỗi lo cũng nhanh chóng tan biến, thay vào đó là tinh thần dấn thân, sẵn sàng vào nơi nguy hiểm; là tinh thần làm việc khẩn trương, trách nhiệm. Trách nhiệm với người bệnh, với cộng đồng, trách nhiệm của người mang sứ mệnh bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Trong “cuộc chiến” đó, đã có không ít những hy sinh thầm lặng, ít ai hiểu được. Tham gia chống dịch, vào vùng dịch, điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19, bên cạnh sự nguy hiểm phải đối mặt, cũng đồng nghĩa y, bác sĩ tự cách ly với gia đình. Trong quá trình đó, nhiều người không khỏi chạnh lòng khi biết, người thân ở nhà cũng hạn chế tiếp xúc với xung quanh để tránh những cái nhìn ngần ngại. Với họ lúc này, nỗi lo không phải là vi rút corona mà là nỗi lo người thân phải lo lắng, bất an. Đáng mừng là trong bộn bề công việc, đã có không ít hình ảnh sẻ chia xúc động. Người nhà bệnh nhân mang thực phẩm tiếp sức cho y, bác sĩ. Các cơ quan, đoàn thể động viên các y, bác sĩ cả vật chất và tinh thần, để họ tiếp tục vững vàng nơi “tuyến đầu” chống dịch. Đến nay, cả 16 trường hợp dương tính với Covid-19 được ghi nhận tại Việt Nam đã được điều trị khỏi (trong đó ca bệnh thứ 16 sắp xuất viện), có phần đóng góp rất lớn của ngành Y tế, của đội ngũ y, bác sĩ.
Cuộc chiến với Covid-19 vẫn chưa kết thúc. Để cùng vượt qua thử thách trong thời gian tới, hàng trăm, hàng nghìn y, bác sĩ vẫn tiếp tục ngày đêm vất vả chống dịch, lặng thầm cống hiến, hy sinh. Và sự đồng lòng, sẻ chia của người bệnh, người thân và cả cộng đồng là điều vô cùng quan trọng. Sự đồng lòng, sẻ chia đó không chỉ là hiểu về công việc mà các y, bác sĩ đang làm, mà còn là những hành động, việc làm cụ thể, như tự biết cách bảo vệ sức khỏe bản thân, phòng tránh lây nhiễm; là sử dụng khẩu trang khi đến nơi công cộng, đông người; là thường xuyên rửa tay, vệ sinh nơi ở, nơi làm việc… Mỗi cá nhân tự phòng tránh, bảo vệ sức khỏe không để dịch bệnh lây lan là sự chung tay cùng các y, bác sĩ chiến thắng dịch bệnh.
Việt Nam đã từng khống chế thành công nhiều dịch bệnh lớn như: SARS (năm 2003); A/H1N1 (năm 2009)... Và bây giờ, chúng ta lại tiếp tục có niềm tin sẽ chiến thắng dịch bệnh Covid-19. Niềm tin đó hiện diện trên khuôn mặt, nụ cười của các y, bác sĩ, của bệnh nhân nhiễm Covid-19 khi xuất viện. Qua mỗi mùa dịch, y đức Việt Nam càng sáng ngời. Đối mặt với dịch Covid-19, đội ngũ cán bộ và nhân viên y tế đang phát huy truyền thống vẻ vang của ngành; xứng đáng với niềm tin của nhân dân - "Thầy thuốc như mẹ hiền".
Vì vậy, đi cùng với sự lặng thầm hy sinh, dũng cảm đương đầu nguy hiểm của đội ngũ y, bác sĩ, mỗi người cùng nhân lên niềm tin đó. Tiếp cận, chọn lọc thông tin chính thống, tự ngăn ngừa vi rút “tin đồn” thất thiệt bùng phát trên mạng xã hội; không quá hoang mang nhưng không chủ quan, yên tâm, đồng hành cùng ngành Y tế chống dịch Covid-19. Niềm tin đó là động lực, là yếu tố quan trọng mà các y, bác sĩ rất cần để tiếp tục nỗ lực chiến đấu và chiến thắng trong cuộc chiến cam go này.
Nếu ví các y, bác sĩ, nhân viên y tế là những chiến sĩ trên “tuyến đầu” chống dịch Covid-19, thì mỗi cá nhân, gia đình và cả xã hội chính là “hậu phương lớn” hỗ trợ tuyến đầu, cùng chung tay, đồng lòng chống dịch bệnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.