(HNM) - Thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) ngày 9-6-2014 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, ngày 10-10-2014, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình hành động số 29-CTr/TU.
Song song đó, các hoạt động triển khai Nghị quyết số 33-NQ/TƯ còn được gắn với việc thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU ngày 26-4-2016 của Thành ủy về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020”. UBND thành phố đã triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện, được thể hiện qua: Kế hoạch số 165/KH-UBND ngày 31-8-2016 về việc thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU; Kế hoạch số 205/KH-UBND ngày 17-9-2019 về việc nâng cao chất lượng xây dựng mô hình “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” trên địa bàn thành phố đến năm 2020…
Qua hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TƯ, cùng các chương trình, kế hoạch kể trên, có thể thấy, Hà Nội đã đạt nhiều thành tựu toàn diện trong phát triển văn hóa, con người Thủ đô. Đặc biệt, thành phố đã từng bước hiện thực hóa mục tiêu: Xây dựng văn hóa, con người Hà Nội xứng đáng tầm vóc, vị thế Thủ đô văn hiến, đại diện tiêu biểu cho văn hóa Việt Nam.
Trong chặng đường đó, Hà Nội đã có thêm một bước đi rất đáng chú ý. Đó là thí điểm mô hình xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu ở 3 làng, 1 tổ dân phố thuộc huyện Thanh Oai từ đầu năm 2018. Có nghĩa là, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của Hà Nội đã thực sự đi vào chiều sâu với những chuẩn mực ở tầm cao mới.
Việc thí điểm này, bước đầu được đánh giá là hiệu quả, phù hợp với bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, để tiến tới có thể nhân rộng, tạo sức lan tỏa những mô hình hay như làng văn hóa kiểu mẫu ở Thanh Oai ra nhiều làng xã khác, thì trước hết, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương phải nhận thức rõ hơn vị trí, vai trò của việc xây dựng, phát triển văn hóa và con người; coi việc phát triển văn hóa ngang tầm với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Bởi chỉ có vậy, việc triển khai ở cấp cơ sở mới không mang tính thụ động, hình thức.
Muốn vậy, công tác tuyên truyền, triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phải được chú trọng hơn nữa. Việc này cần gắn từng nội dung với thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch thi đua hằng tháng, hằng quý, hằng năm của từng địa phương, đơn vị. Cùng với đó, việc bình xét, công nhận các danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa” cần gắn kết chặt chẽ với xây dựng “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, thực hiện “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội”, “Vì môi trường xanh, sạch, đẹp”…
Cùng với tiếp tục triển khai hiệu quả, phát huy những thành tích đạt được trong thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy; việc xây dựng, tiến tới nhân rộng mô hình làng văn hóa kiểu mẫu cũng cần gắn với triển khai Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân". Sự kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng “làng văn hóa kiểu mẫu” với “xã nông thôn mới nâng cao” sẽ mang lại sức mạnh tổng hợp, có thể tối đa hóa hiệu quả đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa (nhà văn hóa, thư viện, tủ sách, sân thể thao…), đặc biệt là ở những nơi còn khó khăn về phát triển kinh tế - xã hội…
Để làm được điều đó, cùng với sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ thành phố tới cơ sở; còn cần sự tham gia tự nguyện, tích cực của mỗi người dân để cùng chung sức, đồng lòng tạo lập môi trường sống vừa văn minh, hiện đại, vừa giữ gìn được sự đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng và đặc biệt là bảo tồn, phát huy được những nét văn hóa truyền thống của mỗi làng quê trong quá trình phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.