Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cụm công nghiệp “án binh bất động” gây lãng phí đất đai

Đức Duy| 16/11/2022 07:05

(HNM) - Trên địa bàn huyện Quốc Oai có 4 cụm công nghiệp làng nghề, gồm: Tân Hòa, quy mô 12ha; Ngọc Mỹ - Thạch Thán 21ha; Nghĩa Hương 11,4ha; Ngọc Liệp mở rộng 9,5ha. Theo kế hoạch, các cụm công nghiệp này phải được khởi công trong năm 2021 nhưng đến nay vẫn “án binh bất động” gây lãng phí đất đai...

Ông Vương Đình Bắc, chủ cơ sở sản xuất miến dong ở xã Tân Hòa (huyện Quốc Oai) cho biết, năm 2016, người dân vui mừng khi nhận được thông báo, thành phố Hà Nội có chủ trương xây dựng cụm công nghiệp làng nghề để đưa các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư. Khi đó, gia đình ông cùng gần 100 hộ sản xuất trong làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm xã Tân Hòa vui mừng ủng hộ chủ trương này. Mọi người đều cho rằng, khi có cụm công nghiệp, các gia đình yên tâm mở rộng sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm, làng nghề ngày càng phát triển…

Không chỉ người dân xã Tân Hòa, người dân ở các làng nghề khác cũng chung nguyện vọng này. Chủ tịch Hội làng nghề chạm khắc gỗ dân dụng cao cấp Ngọc Than (xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai) Đỗ Đình Thường thông tin, hiện nay, làng nghề có hơn 140 hộ sản xuất đồ mộc tại gia đình nên cơ sở sản xuất chật hẹp, gây ô nhiễm môi trường. Qua rà soát, các hộ sản xuất đều có nguyện vọng được thuê đất trong cụm công nghiệp để mở rộng quy mô sản xuất. Song, từ khi cụm công nghiệp được thành lập (năm 2019) đến nay, dự án vẫn bỏ hoang.

Qua tìm hiểu, phóng viên Báo Hànộimới được biết, các dự án cụm công nghiệp làng nghề trên địa bàn huyện Quốc Oai chậm triển khai do chờ văn bản phê duyệt chuyển đổi đất lúa của Chính phủ và một số dự án phải điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500...

Để tháo gỡ vướng mắc này, các đơn vị đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp kiến nghị các sở, ngành, thành phố Hà Nội có văn bản kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm hoàn thiện hồ sơ những dự án sử dụng đất lúa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sở Công Thương và UBND huyện Quốc Oai báo cáo thành phố xem xét lại quy định về điều chỉnh quy hoạch, thời gian thu tiền sử dụng đất. Ngoài ra, trong thời gian chờ Chính phủ phê duyệt, đề nghị UBND huyện Quốc Oai ban hành thông báo thu hồi đất, lập và phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng… để chủ đầu tư có cơ sở triển khai dự án.

Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn cho biết, 4 cụm công nghiệp được UBND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư trong giai đoạn 2019-2020 nhằm mục tiêu di dời các doanh nghiệp nhỏ, cơ sở sản xuất hộ gia đình trong các làng nghề ra khỏi khu dân cư để hạn chế cháy nổ và ô nhiễm môi trường. Việc các dự án chậm triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật do nhiều nguyên nhân, đang được UBND huyện Quốc Oai và các sở, ngành thành phố quyết liệt vào cuộc tháo gỡ. Cụ thể, UBND thành phố Hà Nội đã có Tờ trình gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét thông qua các dự án sử dụng đất lúa ở Quốc Oai. Phía UBND huyện Quốc Oai đã thành lập Hội đồng giải phóng mặt bằng, tổ công tác phục vụ giải phóng mặt bằng, phấn đấu có 1-2 cụm công nghiệp được khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật vào cuối năm 2022.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cụm công nghiệp “án binh bất động” gây lãng phí đất đai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.