Theo dõi Báo Hànộimới trên

Của để dành không đứng ngoài hội nhập

Cù Xuân Trường| 15/02/2016 06:16

(HNM) - Xuân Bính Thân - Xuân hội nhập đã đến, một mùa lễ hội cũng đến trong nhịp đập của mùa xuân. Có mạch liên kết nào giữa mùa xuân hội nhập và lễ hội mùa xuân đang trải dài trên dải đất hình chữ S bên bờ Biển Đông này? Định hình lễ hội dân gian truyền thống Việt Nam như thế nào trong xu thế hội nhập tất yếu với một "thế giới phẳng" về văn hóa? Rất nhiều câu hỏi đang được đặt ra.

Cộng đồng Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã hình thành với ba trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa. Văn hóa là trụ cột và là nền tảng tương đồng. Song mỗi quốc gia lại khẳng định bản sắc ở chính "hộ chiếu văn hóa" mà hiện thân đầu tiên và cũng dễ thấy nhất chính là những lễ hội. Không thể xây dựng một cộng đồng ASEAN gắn kết nếu không gìn giữ và làm phong phú hơn những nét đặc trưng văn hóa của các dân tộc trong khu vực. Vậy, lễ hội dân gian truyền thống và văn hóa Việt Nam sẽ hội nhập như thế nào với một nền văn hóa thống nhất nhưng vô cùng đa dạng của các dân tộc ASEAN? Làm thế nào để vừa giữ gìn bản sắc, vừa phát triển bền vững lễ hội dân gian Việt Nam trong một không gian mở, khi lễ hội đã trở thành "thương hiệu" quảng bá hình ảnh nhiều vùng miền, nhiều dân tộc và là "điểm tựa" thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp không khói?

Giống như nhiều quốc gia gắn liền với nền văn minh lúa nước, ở Việt Nam lễ hội là sản phẩm của cư dân nông nghiệp, một sinh hoạt cộng đồng mang đặc trưng vùng miền gắn với nỗi niềm của đồng chiều cuống rạ "mong cho mưa thuận gió hòa". Mặt khác, lễ hội là sự tổng hợp giữa sự tổng hợp uyển chuyển giữa linh thiêng và trần tục (lễ và hội). Lễ hội là dịp để con người trở về với cội nguồn, thể hiện sự thành kính với các đấng siêu nhiên, tri ân công đức các vị thánh thần trong tâm thức cộng đồng; cũng là thể hiện sức mạnh làng xã, rộng hơn là của quốc gia, dân tộc. Do vậy, lễ hội là nhu cầu tự thân từ đời sống văn hóa, đời sống tâm linh. Lúc nông nhàn, người ta tổ chức lễ hội để hòa mình, để thăng hoa cùng cộng đồng, để quên đi những muộn phiền thường nhật và nguyện ước những điều tốt đẹp hơn... Thế nên lễ hội là một dòng chảy bất tận của tâm thức và điều này lý giải vì sao người Việt Nam thường hành hương rất đông đến những di tích gắn với yếu tố tâm linh.

Lễ hội là hiện thân của giá trị truyền thống. Và giá trị truyền thống chính là sự chuẩn mực, là cái thiện, cái đẹp. Giá trị truyền thống không phải là thứ "nhất thành, bất biến" mà có sự thay đổi nhất định trong không gian, thời gian, dưới sự tác động trong từng điều kiện cụ thể. Trong thời điểm, hoàn cảnh này có thể là chuẩn mực, là thánh thiện..., nhưng ở thời điểm khác, hoàn cảnh khác, có thể đi ngược với những giá trị chung của dân tộc, thậm chí có thể gây hệ lụy tiêu cực cho xã hội. Thế nên, không phải không có lý, nếu không muốn nói là hoàn toàn có cơ sở để loại bỏ những hình ảnh phản nhân văn trong lễ hội như chém lợn ở Ném Thượng (Bắc Ninh), đập trâu ở Tam Nông (Phú Thọ)... Khi con người về với những giá trị truyền thống là về với cội nguồn nhưng không phải là sự trở về vô thức. Nếu không có sự chắt lọc, nếu không "làm sạch" không gian lễ hội và tư duy của người tham gia lễ hội - chủ thể của lễ hội, những giá trị truyền thống Việt Nam khó có thể tích hợp với giá trị chân - thiện - mỹ của nhân loại.

Ở một khía cạnh khác, lễ hội dân gian truyền thống là sinh hoạt văn hóa, tôn giáo đặc sắc của cộng đồng, là một chỉnh thể thống nhất trong sự đa dạng của lễ và hội ở từng vùng miền khác nhau. Người dân đến với lễ hội không chỉ để đắm mình trong nguyện ước tâm linh, để cảm nhận những nét đẹp thẳm sâu sau lớp rêu phong của đình, đền, chùa, di tích... (những giá trị vật thể và phi vật thể) mà còn để chắt lọc những điều hữu ích từ sự vận hành của triết lý nhân sinh trong mỗi cộng đồng văn hóa. Do thế, lễ hội là nhu cầu xuất phát từ đời sống tinh thần của cư dân bản địa nhưng lại có một sức hút rất lớn với các cộng đồng cư dân khác.

Việt Nam là đất nước của lễ hội (khoảng 7.000 lễ hội dân gian được tổ chức mỗi năm) và mỗi lễ hội đều mang bản sắc riêng. Sẽ thế nào khi mỗi lễ hội trở thành "thương hiệu" của mỗi vùng miền, thành "sản phẩm" để mời gọi khách du lịch? Đương nhiên trước tiên vẫn sẽ là những giá trị vô cùng lớn được đong, đo qua những con số về kinh phí, về lượng khách. Song cũng còn đó những tiếng chuông cảnh báo về sự bất cập giữa khôi phục và bảo tồn, giữa bản sắc dân tộc với yếu tố hội nhập trong xu thế đa dạng văn hóa, giữa lợi ích trước mắt về kinh tế với giá trị lâu dài về văn hóa...

Từ một điểm nhìn khác, lễ hội và du lịch là hai phạm trù độc lập, nhưng du lịch lễ hội đã sơ khai hình thành từ hàng nghìn năm trước. Những cuộc hành hương đến thánh địa đã xuất hiện từ thời Ai Cập cổ đại và ở Việt Nam, câu chuyện về từng đoàn người đến với đất Phật - Chùa Hương (Mỹ Đức - Hà Nội) đã được ghi lại cách nay hàng trăm năm. Điều đáng nói, trong khi nhiều quốc gia trên thế giới (kể cả khu vực) đã coi lễ hội dân gian như một nguồn tài nguyên nhân văn quan trọng cho nền công nghiệp không khói thì ở Việt Nam, việc khai thác lợi thế này rất thiếu chuyên nghiệp, thậm chí còn là vấn đề... "mới".

"Mới" vì sao? Mới vì cho tới thời điểm này chúng ta mới có những văn bản quy phạm pháp luật về quản lý lễ hội nhưng chưa có một chiến lược thực sự khả thi đặt lễ hội trong phát triển du lịch văn hóa. Mới vì rất ít địa phương đầu tư, quy hoạch, bảo tồn lễ hội truyền thống và tạo dựng những lễ hội mới mang thương hiệu riêng như cách quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã làm với 14 lễ hội, trong đó có những lễ hội đặc sắc như lễ hội đền Bạch Mã, đền Yên Thái, lễ hội Vua Lê đăng quang và hội Trả gươm, lễ hội Nghề Kim hoàn, Trung thu phố cổ... để bồi đắp những giá trị truyền thống của đất văn hiến ngàn đời và tạo "lực hấp dẫn" du khách khi đến với khu vực ba sáu phố phường mang đặc trưng Thăng Long - Hà Nội. Mới vì các cộng đồng cư dân và người đứng đầu ở nhiều địa phương chưa đặt lễ hội trong một không gian văn hóa ASEAN ăm ắp lễ hội và nhiều quốc gia đã coi lễ hội là một yếu tố cạnh tranh để thu hút khách du lịch, thúc đẩy giao lưu văn hóa, kinh tế - xã hội... "Mới" chính là bởi chưa nhiều người nhận thức đúng về lễ hội trong một "thế giới phẳng" văn hóa đang có sự giao thoa, va đập và chuyển động chóng mặt.

Lễ hội dân gian là phúc lộc, là của để dành tiên tổ trao gửi cho muôn đời con cháu. Nếu "khéo" bảo tồn, phát huy sẽ mang lại lợi ích vô giá, ngược lại, nếu để mất mát, biến dạng, bị lợi dụng trục lợi sẽ phải gánh chịu những hậu quả khó lường. Trong xu thế hiện nay, "của để dành" ấy chắc chắn không thể đứng ngoài hội nhập. Khai thác các yếu tố tích cực của lễ hội dân gian nói riêng và nguồn tài nguyên du lịch văn hóa phong phú, đa dạng của đất nước nói chung góp phần vào tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội cũng là một thách thức của thời đại hội nhập.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Của để dành không đứng ngoài hội nhập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.