Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cử tri ủng hộ chính sách khắc khổ

Đình Hiệp| 06/10/2015 06:39

(HNM) - Hàng triệu cử tri Bồ Đào Nha vừa tham gia cuộc tổng tuyển cử để bầu ra 230 nghị sĩ Quốc hội khóa mới có nhiệm kỳ 4 năm. Mặc dù có sự tham gia của 6 chính đảng lớn, nhưng đây vẫn được xem là cuộc đối đầu căng thẳng giữa Liên minh trung hữu cầm quyền gồm đảng Dân chủ Xã hội (PSD


Liên minh trung hữu của Thủ tướng P.Coelho (giữa) giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Quốc hội ngày 4-10.


Không nằm ngoài dự đoán của giới phân tích cũng như các kết quả thăm dò dư luận, kết quả chính thức được công bố sáng 5-10 cho thấy, Liên minh trung hữu cầm quyền đã giành chiến thắng nhưng không đạt được đa số ghế tuyệt đối tại Quốc hội khi chỉ giành được 38,55% phiếu bầu. Trong khi đó, đảng Xã hội đối lập giành được 32,38% phiếu bầu. Với kết quả này, Liên minh trung hữu có 104 ghế trong Quốc hội còn đảng Xã hội đối lập có 85 ghế. 49 ghế còn lại thuộc về các đảng nhỏ hơn, trong đó có đảng Cộng sản Bồ Đào Nha và Khối Cảnh tả. Theo Hiến pháp Bồ Đào Nha, liên minh của Thủ tướng P.Coelho đã không giành đa số ghế cần thiết (116 ghế) trong Quốc hội để thành lập chính phủ mới.

Bước vào cuộc đua này, liên minh cầm quyền có nhiều lợi thế hơn so với các đối thủ khác khi Chính phủ của ông đã góp phần không nhỏ đưa nền kinh tế quốc gia chưa đầy 11 triệu dân vượt qua cuộc khủng hoảng nợ công bằng chính sách kinh tế khắc khổ. Còn nhớ thời điểm năm 2011, nền kinh tế Bồ Đào Nha rơi vào suy thoái nghiêm trọng, với tỷ lệ thất nghiệp kỷ lục 12,7%. Sau khi thực hiện chính sách "thắt lưng buộc bụng" để đổi lấy gói cứu trợ 78 tỷ euro từ nhóm bộ ba chủ nợ gồm Liên minh Châu Âu (EU), Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), năm 2014 Bồ Đào Nha tuyên bố rút khỏi chương trình cứu trợ chung của quốc tế. Tỷ lệ thất nghiệp hiện chỉ còn 12,4%, lần đầu tiên giảm xuống dưới mức kỷ lục, một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Bồ Đào Nha đã có những dấu hiệu khả quan hơn. Dù kết quả trên vẫn còn khiêm tốn, song con số này đã mang lại niềm tin cho nhiều người Bồ Đào Nha vốn đang trong tình cảnh không có việc làm.

Với chính sách kinh tế khắc khổ, nền kinh tế Bồ Đào Nha bắt đầu hồi phục. Thế nhưng cái giá phải trả của thắt chặt chi tiêu là khiến cuộc sống của nhiều người dân Bồ Đào Nha chật vật hơn. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định của các cử tri vốn không ủng hộ các chính sách thắt lưng buộc bụng. Trong bối cảnh đó, cuộc tổng tuyển cử có ý nghĩa quan trọng đối với tương lai của Bồ Đào Nha, vì nước này vẫn đang phải tiếp tục thực thi chính sách thắt chặt tài chính sau hơn một năm rút khỏi chương trình cứu trợ quốc tế. Mặc dù không giành đa số ghế tuyệt đối tại Quốc hội, nhưng kết quả này cũng cho thấy rằng chính sách khắc khổ của Chính phủ vẫn nhận được sự đồng cảm của lượng không nhỏ cử tri. Thông qua lá phiếu của mình, cử tri Bồ Đào Nha đã khẳng định thông điệp không muốn nền kinh tế quốc gia này đi vào vết xe đổ như Hy Lạp. Dẫu vậy, làm thế nào để tiếp tục duy trì đà phục hồi của nền kinh tế vẫn sẽ là một trong những thách thức lớn của Chính phủ mới sau cuộc tổng tuyển cử lần này. Theo nhận định của IMF, Bồ Đào Nha cần nhanh chóng thực hiện các biện pháp cải cách ngay sau khi Chính phủ mới được thành lập vì nợ tư nhân của quốc gia này vẫn ở mức rất cao, có thể đe dọa tới triển vọng phát triển trung hạn. Dù nợ công được dự báo sẽ hạ xuống còn 127% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2015, nhưng với mức nợ công này thì Bồ Đào Nha vẫn khó mà đứng vững trước sự dao động của thị trường tài chính khu vực cũng như toàn cầu.

Cuộc tổng tuyển cử vừa kết thúc đã trao thêm cơ hội để Chính phủ liên minh trung hữu của Thủ tướng P.Coelho thêm 4 năm chèo lái con thuyền kinh tế đất nước vượt qua sóng gió. Đây được xem là một sự cổ vũ mạnh mẽ với các đảng vốn chủ trương áp dụng chính sách khắc khổ ở Châu Âu nói chung và Bồ Đào Nha nói riêng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cử tri ủng hộ chính sách khắc khổ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.