(HNMO) - Sáng 11-10, tiếp tục chương trình phiên họp thứ tư, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo các báo cáo: Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV; kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ mười một, Quốc hội khóa XIV; kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2021.
Tăng cường kiểm tra để tránh xảy ra tiêu cực, tham nhũng trong phòng, chống dịch
Trình bày dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, cử tri và nhân dân theo dõi sát và rất vui mừng về thành công của Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Trung ương đã đưa ra các quyết sách quan trọng tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; quyết sách về phòng, chống, thích ứng an toàn với dịch Covid-19 và phục hồi phát triển kinh tế.
Về công tác phòng, chống dịch Covid-19, đợt dịch bệnh bùng phát lần thứ tư đã cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân đề nghị cần nhìn thẳng vào sự thật, rút kinh nghiệm sâu sắc đối với một số nội dung chỉ đạo chưa sát với thực tiễn, thiếu thống nhất trong nhiệm vụ này… Từ đó, chuẩn bị các điều kiện cần thiết, ứng phó với mọi tình huống xấu hơn có thể xảy ra.
Đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, công tác này đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo được niềm tin của cử tri và nhân dân cả nước. Cử tri và nhân dân hoan nghênh việc điều tra, truy tố, xét xử những vụ án lớn, thuộc diện Ban Chỉ đạo trung ương theo dõi, chỉ đạo; đồng thời mong muốn tăng cường giám sát, kiểm tra để tránh xảy ra tiêu cực, tham nhũng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
“Người Việt Nam ở nước ngoài đánh giá cao Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 12-KL/TƯ ngày 12-8-2021 về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới; hoan nghênh các cơ quan ngoại giao đã luôn quan tâm, hỗ trợ để đồng bào ổn định cuộc sống, giảm thiểu tác động xấu của đại dịch Covid-19. Đồng bào luôn hướng về Tổ quốc, đóng góp rất thiết thực và hiệu quả vào công cuộc phòng, chống dịch và mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm giải quyết một số đề xuất của kiều bào...”, đồng chí Đỗ Văn Chiến nói.
Giải quyết căn cơ, có tính chất lâu dài về chiến lược vắc xin
Trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có 6 kiến nghị. Trong đó, về công tác phòng, chống dịch Covid-19, đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban ngành, địa phương tập trung vào 2 nội dung được nhiều cử tri và nhân dân quan tâm, gồm: Giải quyết căn cơ, có tính chất lâu dài về chiến lược vắc xin (chú ý vắc xin tiêm cho người dưới 18 tuổi); tăng cường đầu tư cho tuyến y tế cơ sở và công tác y tế dự phòng; thiết lập nền tảng công nghệ dùng chung toàn quốc trong phòng, chống dịch tích hợp vào căn cước công dân; nghiên cứu đưa trang thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm vào danh mục hàng hóa Nhà nước quản lý bình ổn giá.
Đồng thời, khảo sát, đánh giá toàn diện về chất lượng dạy và học trực tuyến cho học sinh các bậc học, từ đó xây dựng chiến lược thích ứng trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp…
Thảo luận về báo cáo này, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu các cơ quan hữu quan tăng cường phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để xây dựng báo cáo kịp thời, phản ánh đầy đủ nguyện vọng của cử tri, nhân dân trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ hai.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, bên cạnh việc ghi nhận của cử tri và nhân dân thì cần đề cập đậm nét hơn sự vào cuộc quyết liệt, nỗ lực, sáng tạo, vượt khó của cấp ủy, chính quyền nhiều địa phương trong thời gian qua để thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, trên cơ sở ý kiến tại cuộc làm việc này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV cần được bổ sung, cập nhật thêm một bước; đồng thời giao Tổng Thư ký Quốc hội tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội có công điện đôn đốc 63 đoàn đại biểu Quốc hội sớm gửi báo cáo tổng hợp.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì phối hợp để tiếp tục tập hợp đầy đủ, trung thực các ý kiến, kiến nghị của cử tri từ các nguồn để hoàn thiện báo cáo trình Quốc hội.
Trình bày dự thảo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ mười một, Quốc hội khóa XIV, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, đã có 807 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đến nay 807/807 kiến nghị đã được trả lời, đạt tỷ lệ 100%.
Đối với dự thảo kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2021 (từ ngày 16-8-2020 đến ngày 15-8-2021), Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, các đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội đã tiếp 4.331 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 3.350 vụ việc và có 189 đoàn đông người (giảm 50% số lượt người, 35% số vụ việc và 24% đoàn đông so với cùng kỳ năm trước); đã tiếp nhận 33.061 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân (giảm 13,83% so với cùng kỳ). Trong số 10.291 đơn đủ điều kiện xử lý, qua nghiên cứu đã chuyển 4.616 đơn đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.