(HNMCT) - Du lịch nội địa giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của ngành Du lịch Việt Nam, nhưng trước đây điều đó chưa được nhìn nhận đúng mức. Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, ngành Du lịch hoạt động trở lại, nhiều doanh nghiệp nhận ra rằng khách nội địa chính là “quả khế vàng”. Vậy, phải may “túi ba gang” như thế nào để có được nguồn thu xứng đáng từ dòng khách này, để du lịch nội địa thể hiện vai trò tạo “cú hích” cho sự phát triển của toàn ngành?
Thời điểm “vàng” để đi du lịch
Từng tới nhiều nơi trên thế giới, Đinh Hằng - một blogger du lịch nổi tiếng với gần 80 nghìn người theo dõi trang Facebook cá nhân cho biết, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, cô sẽ đi chơi khắp Việt Nam bởi: “Đất nước mình đẹp vô cùng. Mũi Điện (Phú Yên) hùng vĩ gấp mấy lần mũi Hảo Vọng (Nam Phi). Biển Phú Quốc hấp dẫn hơn vùng biển Chile. Đồ ăn Việt Nam thì ngon lành hơn đồ Ấn Độ”.
Theo Đinh Hằng, lúc này là thời điểm “vàng” để đi du lịch trong nước bởi du khách không phải lo chen chúc tại những điểm tham quan luôn đông khách nước ngoài. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển, khách sạn đang có nhiều chương trình giảm giá hấp dẫn.
Nắm bắt thời cơ, nhiều công ty du lịch đã tung ra các gói ưu đãi với mức giá giảm sâu, như Công ty du lịch Tiên Phong Travel giảm 35% giá tour Hà Nội - Sapa, giảm 20% giá tour Hà Nội - Hạ Long. Công ty cổ phần HanoiRedtours tung ra gói kích cầu Nha Trang - Đà Lạt 5 ngày 4 đêm có giá 5,49 triệu đồng/người. Với 7,92 triệu đồng, du khách có 6 ngày 5 đêm khám phá Hải Phòng - Hạ Long - Ninh Bình - Hà Nội - Lào Cai - Sapa - Đền Hùng cùng Saigontourist...
Ông Nguyễn Tất Hiếu, Trưởng ban Sản phẩm, Công ty cổ phần du lịch Việt Nam - Hà Nội (Vietnamtourism - Hanoi) cho biết: “Nhờ chính sách ưu đãi của các hãng hàng không và đơn vị cung ứng dịch vụ, các doanh nghiệp lữ hành mới có thể xây dựng sản phẩm với giá tốt. Đây là cơ hội “vàng” để đi du lịch, nhất là khi mùa du lịch biển đã bắt đầu”.
“Thiên đường du lịch an toàn”
Không chỉ được đánh giá cao về tài nguyên du lịch, mới đây, Việt Nam đã lọt vào danh sách điểm đến hàng đầu thế giới sau dịch Covid-19 do tạp chí du lịch nổi tiếng Travel + Leisure bình chọn. Nhiều tờ báo của Mỹ, Australia, Đức, Pháp... viết về Việt Nam như là tấm gương điển hình về phòng, chống dịch Covid-19, qua đó để lại ấn tượng tốt đẹp với du khách quốc tế.
Nhìn nhận sự an toàn là yếu tố tiên quyết để thu hút du khách ở thời điểm này, ông Steve Wolstenholme, Giám đốc vận hành Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An (Hoiana) nhận định: “Chỉ có hơn 300 ca nhiễm và đến thời điểm này chưa có ca tử vong, cũng như một thời gian dài không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, đó là cơ hội tuyệt vời để quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam. Chúng tôi tin Việt Nam sẽ trở thành thị trường du lịch hấp dẫn nếu các bạn biết tận dụng việc khống chế dịch để quảng bá hình ảnh điểm đến”, ông Steve Wolstenholme nói.
Không phải bây giờ Việt Nam mới được công nhận là điểm đến an toàn mà từ lâu, khách quốc tế đã đánh giá như vậy. Nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội đã đưa tiêu chí an toàn lên hàng đầu trong slogan quảng bá “Hà Nội: Điểm đến An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn”.
Nhiều chuyên gia du lịch quốc tế cho rằng, Việt Nam cần sớm đẩy mạnh chiến dịch marketing, định vị thương hiệu du lịch an toàn để thu hút khách du lịch quốc tế trong thời gian tới. Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo ngành Du lịch sớm chuẩn bị để đón khách du lịch quốc tế khi điều kiện cho phép.
Tận dụng tiềm năng du lịch nội địa
Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) mới đây đã khảo sát xu hướng du lịch của người Việt sau dịch Covid-19. 53,3% trong số 1.700 người được hỏi nói rằng họ sẵn sàng đi du lịch trong mùa hè này; 32,5% dự định đi du lịch trong năm 2020. Điều đó cho thấy nhu cầu đi du lịch của người dân đã tăng trở lại.
Trong tình hình hiện nay, du lịch nội địa chính là trọng tâm của ngành Du lịch. Tuy nhiên, nhiều năm qua, thị trường du lịch nội địa bị không ít doanh nghiệp “bỏ quên”, coi việc bán tour nội địa như “nhặt tiền lẻ” bởi lợi nhuận chỉ bằng 10 - 30% so với lợi nhuận từ du lịch inbound (đón khách quốc tế vào Việt Nam) và outbound (đưa người Việt Nam đi du lịch nước ngoài). Hơn nữa, so với các doanh nghiệp chuyên đón khách quốc tế, các doanh nghiệp du lịch nội địa có quy mô nhỏ hơn, năng lực cạnh tranh và tính chuyên nghiệp thấp hơn nên sản phẩm thiếu tính hấp dẫn, chất lượng dịch vụ không cao.
Với thị trường tiềm năng hơn 80 triệu lượt người đi du lịch trong nước mỗi năm, du lịch nội địa chính là “quả khế vàng” mà các doanh nghiệp có thể may “túi ba gang” để khai thác, thu lợi nhuận. Ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng Giám đốc Công ty AZA Travel cho rằng, nếu biết cách khai thác, thị trường nội địa vẫn là “miếng bánh” dành cho cả doanh nghiệp inbound và outbound.
“Với lợi thế tự nhiên đa dạng, phong phú, ẩm thực hấp dẫn, chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra các sản phẩm chất lượng để thu hút dòng khách nội địa có mức chi tiêu cao. Hiện nay, không ít người Việt sẵn sàng bỏ tiền để được hưởng những dịch vụ du lịch cao cấp. Vậy, tại sao chúng ta không xây dựng những sản phẩm chất lượng với giá cả cạnh tranh? Nếu làm tốt, đây sẽ là tiền đề thu hút khách quốc tế khi mở cửa trở lại”, ông Đạt nói.
Tuy nhiên, để kích cầu du lịch nội địa sau dịch Covid-19, không chỉ cần những cái “bắt tay” của các doanh nghiệp, mà còn cần sự đồng hành của các cấp, các ngành, của người dân. “Để phục hồi ngành Du lịch, cần kết nối đồng bộ giữa các địa phương, công ty lữ hành, khách sạn, tạo sự cộng hưởng, lan tỏa. Đồng thời, với việc kiểm soát tốt dịch Covid-19, chúng ta cần tranh thủ hiệu ứng truyền thông để quảng bá hình ảnh, nâng cao hiệu quả du lịch Việt Nam”, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch lưu ý.
Công tác phòng, chống dịch Covid-19 cho thấy sự “vững tay chèo” của Đảng, Chính phủ trong việc đưa “con thuyền” Việt Nam “vượt bão” Covid-19 một cách ngoạn mục. Đó chính là sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. Một lần nữa, các doanh nghiệp du lịch cho thấy bản lĩnh trước khó khăn, thách thức, tìm ra hướng đi mới để thích nghi với hoàn cảnh. Việc xác định “trụ cột” du lịch nội địa trong giai đoạn hiện nay giúp tạo sức bật để ngành Du lịch trở lại mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, qua đó chứng tỏ vị thế của du lịch Việt Nam trên trường quốc tế.
Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình: “Du lịch là ngành kinh tế liên ngành, liên vùng nên các doanh nghiệp phải cùng nhau chia sẻ khó khăn, đồng thời, các địa phương phải đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn nữa. Rất cần có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với địa phương để khôi phục mạnh mẽ thị trường du lịch nội địa”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.