(HNM) - Nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực của dịch Covid-19, nội các Nhật Bản vừa thông qua dự thảo ngân sách bổ sung thứ hai cho tài khóa 2020 trị giá 31.910 tỷ yên (tương đương 296 tỷ USD). Đây là khoản ngân sách bổ sung có quy mô lớn nhất lịch sử Nhật Bản và được xem như cú hích mạnh mẽ giúp nhanh chóng hồi phục nền kinh tế đất nước Mặt trời mọc.
Động thái trên diễn ra chưa đầy một tháng sau khi Nhật Bản thông qua dự thảo ngân sách bổ sung đầu tiên cho năm tài khóa 2020 với giá trị 238,5 tỷ USD để cấp tiền mặt cho toàn bộ 126 triệu dân. Dự kiến khoản ngân sách bổ sung kỷ lục nói trên sẽ giúp chi trả một phần cho gói kích thích kinh tế 1.086 tỷ USD, trong đó tập trung vào hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn do dịch Covid-19 và đội ngũ nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch.
Theo Thủ tướng Abe Shinzo, Nhật Bản cần bảo vệ doanh nghiệp và tạo việc làm bằng mọi cách, đồng thời thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để chuẩn bị cho làn sóng lây nhiễm mới của dịch bệnh. Quy mô gói hỗ trợ tương đương 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản có thể bảo vệ nền kinh tế lớn thứ ba thế giới thoát khỏi khủng hoảng.
Những báo cáo gần đây cho thấy, nền kinh tế Nhật Bản đang phát đi những tín hiệu không mấy lạc quan. Viện Nghiên cứu kinh tế và xã hội vùng Chubu (Nhật Bản) dự báo, dịch Covid-19 có thể làm “bốc hơi” tới 3,01 triệu việc làm tại Nhật Bản trong năm 2020 và tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế còn nghiêm trọng hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính giai đoạn 2008-2009.
Hiện, kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2020 của Nhật Bản đã giảm 21,9% so với cùng kỳ năm 2019, mức giảm mạnh nhất trong 10 năm qua. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu giảm 7,2%. Đây là tháng thứ 12 liên tiếp kim ngạch nhập khẩu của Nhật Bản giảm, dẫn tới thâm hụt thương mại lên mức 8,6 tỷ USD trong tháng 4-2020.
Chưa dừng lại ở đó, Nhật Bản rơi vào tình trạng giảm phát lần đầu tiên trong vòng 3 năm qua. Nguyên nhân chủ yếu là do giá dầu thô nhập khẩu giảm khiến giá xăng và các nhiên liệu khác lao dốc. Ngoài ra, giá thuê khách sạn cũng giảm 7,7%, chủ yếu do các biện pháp hạn chế đi lại nhằm phòng, chống dịch Covid-19 của chính phủ dẫn tới sự sụt giảm lượng khách quốc tế đến Nhật Bản. Những yếu tố nói trên khiến cho mục tiêu đạt mức lạm phát 2% của Ngân hàng trung ương Nhật Bản đang dần trở nên xa vời.
Theo các nhà phân tích, dịch Covid-19 không phải là nguyên nhân duy nhất khiến kinh tế Nhật Bản rơi vào trạng thái suy thoái kể từ sau thảm họa động đất và sóng thần hồi tháng 3-2011. Trên thực tế, đây là những tác động tiêu cực được cộng dồn từ trước, trong đó có ảnh hưởng của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc. Ngoài ra, việc Chính phủ Nhật Bản tăng thuế tiêu dùng từ 8% lên 10% vào đầu tháng 10-2019 và những thiệt hại do thiên tai - trong đó có siêu bão Hagibis cuối năm ngoái, đã góp phần làm suy yếu kinh tế nước này.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa được khống chế hoàn toàn ở Nhật Bản, giới chuyên gia nhận định, các hậu quả mà dịch bệnh gây ra cho nền kinh tế nước này có thể sẽ còn kéo dài trong các quý tới. Hoạt động thương mại tại đất nước Mặt trời mọc sẽ chưa thể hồi phục khi nhiều nước vẫn đóng cửa biên giới. Ông Nishimura Yasutoshi, Bộ trưởng phụ trách chính sách kinh tế và tài khóa (Nhật Bản) cho rằng, tốc độ suy giảm GDP của Nhật Bản trong quý II-2020 sẽ còn “nghiêm trọng hơn” so với quý I-2020.
Việc Thủ tướng Abe Shinzo đẩy mạnh sử dụng các công cụ của chính sách tài khóa, bổ sung gói ngân sách thứ hai, kết hợp với các biện pháp tài chính đã đưa ra trước đó, được cho là hành động quyết liệt và là cú hích hữu hiệu để kích thích tiêu dùng, vực dậy nền kinh tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.