(HNM) - Mặc dù Hà Nội quyết tâm xử lý, tạo những chuyển biến nhất định, nhưng tình trạng vi phạm trật tự xây dựng vẫn còn diễn biến phức tạp, trong khi sai phạm cũ vẫn còn
Công viên Tuổi trẻ (quận Hai Bà Trưng) là nơi có công trình vi phạm trật tự xây dựng kéo dài. Ảnh: Thái Hiền |
Nhiều thách thức từ vi phạm
Những vi phạm trật tự xây dựng tại Cụm sản xuất làng nghề tập trung xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm) trong giai đoạn từ năm 2004 đến 2015 đã được Thanh tra huyện kết luận. Cụ thể là 38 ô đất sử dụng sai mục đích, 23 ô đất chưa đưa vào sử dụng; có dấu hiệu chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuê, tài sản trên đất thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất thuê trái quy định của pháp luật tại các ô đất quy hoạch làm bãi đỗ xe container, kho tàng...
Về trật tự xây dựng, có 36 trường hợp xây dựng không phép, sai phép vi phạm Quy chế đấu giá của huyện, Điều lệ quản lý xây dựng theo quy hoạch chi tiết cụm sản xuất làng nghề tập trung Bát Tràng. Nguyên nhân được chỉ rõ là UBND xã Bát Tràng đã buông lỏng quản lý về đất đai, xây dựng. Tuy nhiên, điều đáng bàn là đã hơn 8 tháng trôi qua nhưng đến nay những vi phạm tại đây vẫn không được xử lý triệt để.
Tại huyện Thanh Trì, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng cũng diễn ra khá phức tạp và chậm xử lý dứt điểm. Dẫn chúng tôi cùng khảo sát hành lang sông Nhuệ, trên địa bàn xã Tả Thanh Oai, Thanh tra xây dựng huyện phụ trách địa bàn xã này Nguyễn Viết Hợi thông tin, đa phần những công trình xây dựng cạnh sông đều vi phạm về trật tự xây dựng, phần lớn tồn tại từ nhiều năm nên việc giải quyết rất khó khăn. Thời gian qua, xã đã thành lập tổ công tác tuyên truyền vận động, kiểm tra hiện trạng, xác định mốc giới, kẻ vẽ vạch sơn của các hộ có công trình nằm dọc tuyến cơ đê thuộc ngõ 8 Cầu Bươu và thôn Tả Thanh Oai. Đến nay chỉ có 56 gia đình tự tháo dỡ công trình trả lại hiện trạng ban đầu và khoảng 300 hộ tháo dỡ công trình lùi vào 2m để mở rộng đường...
Còn tại khu vực nội thành, vi phạm trật tự xây dựng còn "nóng" hơn. Theo ông Trần Anh Tuấn - Đội trưởng Đội Thanh tra xây dựng quận Đống Đa, những vi phạm về xây dựng tại dự án Công viên văn hóa - thể thao - vui chơi Đống Đa đến nay rất nhức nhối. Tất cả đều là những công trình không phép nằm trên đất dự án và tồn tại từ nhiều năm nay. Nguyên nhân do người dân cố tình vi phạm, có những công trình bị cưỡng chế xong lại tái diễn xây dựng, phần nữa là do dự án triển khai quá chậm khiến công tác quản lý rất khó khăn.
Ghi nhận thực tế của phóng viên, toàn bộ phần đất tiếp giáp mương Thái Hà (từ Trung tâm Chiếu phim quốc gia đến đoạn phố Hoàng Cầu) đã có quyết định thu hồi cho dự án Công viên văn hóa - thể thao - vui chơi Đống Đa, thì nay đã hình thành một dãy nhà kiên cố sau khi dự án cống hóa mương Thái Hà hoàn thành. Tương tự, tình trạng này cũng diễn ra ở xung quanh dự án Công viên Tuổi trẻ (quận Hai Bà Trưng)...
Tại kỳ họp thứ tư HĐND thành phố khóa XV, ông Vũ Ngọc Anh, Phó Trưởng ban Đô thị HĐND TP Hà Nội, khi đề cập đến vấn đề này nhấn mạnh, trên địa bàn thành phố có hơn 900 công trình vi phạm chưa xử lý dứt điểm dù thanh tra xây dựng đã lập biên bản, thậm chí Chủ tịch UBND thành phố có chỉ đạo. Thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội cũng đưa con số giật mình rằng, từ đầu năm 2017 đến nay, các đội thanh tra xây dựng địa bàn tiến hành kiểm tra 9.764 công trình, trong số đó có 1.227 công trình có vi phạm, đáng chú ý là có tới 507 công trình không phép, 170 công trình sai phép sai quy hoạch, sai thiết kế...
Đâu là nguyên nhân?
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội 6 tháng đầu năm 2017, khi đề cập đến vấn đề trật tự xây dựng đã chỉ rõ, việc xử lý vi phạm của các địa phương vẫn lúng túng, thậm chí còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, chưa quyết liệt, kịp thời xử lý ngăn chặn vi phạm. Còn theo đánh giá chung thì nguyên nhân xuất phát từ yếu tố lợi nhuận, nhiều chủ đầu tư bất chấp các quy định của pháp luật, hoặc tìm cách hợp thức hóa sai phạm.
Do vậy, khi chính quyền địa phương lơ là giám sát thì vi phạm tái diễn. Việc xử lý, khắc phục các sai phạm sau kết luận thanh tra, kiểm tra cũng không nghiêm túc. Cùng với đó là sự phối hợp giữa lực lượng Thanh tra xây dựng với chính quyền cơ sở chưa tốt, chưa hiệu quả, dẫn đến việc xử lý công trình vi phạm chậm, không dứt điểm. Năng lực của một bộ phận cán bộ còn hạn chế, thậm chí có biểu hiện tiêu cực, không công tâm, thiếu trách nhiệm.
Thực tế, thời gian qua, thành phố đã có nhiều nỗ lực chấn chỉnh công tác này. Thành phố đã giao cho Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, UBND các quận, huyện, thị xã nghiên cứu mô hình báo cáo thành phố sớm kiện toàn tổ chức bộ máy và hoạt động của lực lượng Thanh tra xây dựng quận, huyện, thị xã theo hướng bàn giao về UBND các quận, huyện, thị xã để thành lập các đội quản lý trật tự xây dựng đô thị và trực tiếp quản lý, chỉ đạo, điều hành.
Cùng với đó, ngày 1-6-2017, thành phố đã ban hành Kế hoạch số 125/KH-UBND nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém; nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, tăng cường kỷ cương trong quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, thành phố đã chỉ đạo đồng bộ nhiều giải pháp như tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, quy định trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng...
Tuy nhiên, theo đánh giá chung, muốn làm tốt công tác quản lý trật tự xây dựng cũng phải đề cao cái tầm, tâm của cán bộ trực tiếp thực thi nhiệm vụ ở cơ sở. Quy định pháp luật đã chặt chẽ nhưng để làm tốt và hoàn thành mục tiêu đặt ra, ngoài việc học hỏi nâng cao trình độ, cán bộ làm công tác này phải sâu sát ở cơ sở, kịp thời phát hiện, ngăn chặn những vi phạm ngay từ khi mới phát sinh, không để chủ đầu tư có cơ hội lách luật bằng hình thức “phạt cho tồn tại” hoặc tạo ra gánh nặng cho ngân sách khi giải phóng mặt bằng triển khai dự án…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.