Theo dõi Báo Hànộimới trên

CPI không thể tăng cao

Hồng Sơn| 08/02/2014 07:39

(HNM) - Tháng 1-2014, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã thiết lập kỷ lục mới về mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ nhiều năm gần đây. Ngoài các giải pháp bình ổn giá tại các địa phương phát huy tác dụng thì sức mua của xã hội chưa có sức bật mạnh là nguyên nhân dẫn đến tình hình trên


Các chuyên gia vẫn đang theo dõi để phân tích kỹ các yếu tố và thực tế tác động đến CPI. Trước hết, giá cả sinh hoạt vẫn đang ổn định và chưa có biến động lớn, lại càng không diễn ra trường hợp khan hàng, nhất là đối với nhóm hàng thực phẩm như thường xảy ra trong một số năm trước. Tuy nhiên, mấy ngày sau Tết, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có tăng vì lý do là "giá ngày Tết". Trong khi đó, sức mua của thị trường sau Tết khá trầm lắng do người tiêu dùng đã dồn sức mua sắm trong dịp trước đó nên khả năng tăng giá của nhóm hàng thực phẩm, dịch vụ ăn uống cũng sẽ không thể cao đột biến.

Sau Tết, giá cả sinh hoạt vẫn đang ổn định và chưa có biến động lớn.Ảnh: Hồ Như



Tại các siêu thị, cửa hàng điện máy, đồ gia dụng, kể cả quần áo gần như rơi vào cảnh đìu hiu. Ngay đầu xuân 2014, giá gas tại một số thành phố, nhất là TP Hồ Chí Minh đã giảm hơn 10.000 đồng/bình cũng là một nguyên nhân kìm hãm mức tăng CPI trong tháng 2 sắp tới. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm, nguyên liệu vật tư chỉ ở mức vừa phải, đồng thời đang trong thời điểm "lấy đà" để tăng tốc. Thực tế cho thấy, các loại sản phẩm, hàng hóa vẫn rất phong phú với giá bán khá hợp lý nhờ quan hệ cung - cầu ổn định; thậm chí cung còn cao mà cầu chưa tăng tương xứng nên giá cả hàng hóa sẽ không thể tăng cao. Mặt khác, Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương, bộ, ngành về việc kiên trì mục tiêu kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội trong năm 2014. Đó là thông điệp cho thấy một sự quyết tâm khống chế CPI ở mức hợp lý và cũng là đầu vào để các cơ quan chức năng thực hiện công tác điều hành, dự báo về giá cả thị trường.

Tuy nhiên, thị trường luôn tiềm ẩn những yếu tố khó lường, phức tạp nên các chuyên gia vẫn lo ngại về khả năng có thể xảy ra việc tăng giá đột ngột đối với giá dầu lửa và gas trên thị trường thế giới. Nếu xảy ra "kịch bản" này thì giá nhiên liệu trong nước sẽ bắt buộc phải tăng tương ứng, bởi phần lớn nhu cầu tiêu dùng và phục vụ sản xuất trong nước phụ thuộc vào việc nhập khẩu. Đây là tình huống bị động, bất khả kháng, ảnh hưởng trực tiếp đến diễn biến CPI. Ngoài ra, diễn biến thời tiết cũng là yếu tố quan trọng góp phần quyết định kết quả sản xuất nông nghiệp. Nếu thời tiết thuận lợi thì hàng hóa sẽ dồi dào và đương nhiên giá bán sản phẩm chắc chắn không thể tăng cao. Thực tế đó có lợi cho người tiêu dùng, công tác xuất khẩu và giúp ổn định giá thị trường nói chung.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội nhận định, nguyên nhân khiến CPI tăng thấp chủ yếu là do sức cầu xã hội vẫn yếu, chưa thể hồi phục trong thời gian ngắn; một bộ phận người tiêu dùng còn tâm lý tiết kiệm chi tiêu để đề phòng tình huống khó khăn. Tình hình này có thể sẽ tiếp tục bởi thu nhập thực tế của đại bộ phận người lao động chưa có sự cải thiện rõ rệt. Song trong tháng 2, diễn biến CPI có thể sẽ chịu ảnh hưởng khá nhiều từ nhóm hàng dịch vụ, giải trí, giao thông và du lịch bởi tâm lý du xuân còn khá phổ biến. Đây sẽ là những yếu tố tác động mạnh kéo CPI tăng lên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
CPI không thể tăng cao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.