Từ lâu, Cốt Đi-voa (hay còn gọi là Bờ Biển Ngà) không chỉ được thế giới biết đến như một quốc gia hàng đầu thế giới về xuất khẩu cô ca, mà còn “nổi tiếng” với cuộc nội chiến kéo dài trong nhiều năm liền từ cuối thế kỷ XX. Dư luận thế giới đã hy vọng vào thỏa thuận ngừng bắn được ký ngày 15-1-2003 giữa các nhóm phiến quân phía Bắc với Tổng thống Cốt Đi-voa Lô-găng Gba-bô (nhậm chức ngày 27-10-2000), hòa bình sẽ trở lại quốc đảo Tây Phi này. Nhưng đó vẫn chỉ là hy vọng. Mặc dù năm 2003 có sự can thiệp của Pháp, Mỹ và EU nhưng ở quốc gia châu Phi này vẫn chưa lắng dịu các cuộc xung đột đẫm máu. Hiện Cốt Đi-voa vẫn tạm thời bị chia cắt làm hai miền, phía Bắc do phiến quân giữ và phía Nam thuộc quyền kiểm soát của chính phủ...
Bản đồ Bờ Biển Ngà
Từ lâu xung đột và đảo chính luôn là vấn đề nóng bỏng ở đây. Ngày 7-2-2003, Liên hợp quốc (LHQ) đã đặt Cốt Đi-voa vào quốc gia nguy hiểm cấp độ 4 trong thang đánh giá 5 bậc. Đánh giá trên được LHQ đưa ra cùng với quyết định sơ tán toàn bộ nhân viên không cần thiết ra khỏi quốc đảo này vì tình hình an ninh bất ổn ngày càng gia tăng.
Cụ thể, ngày 24-2, một trong ba nhóm phiến quân nổi dậy MPIGO tại Cốt Đi-voa dọa sẽ phát động chiến tranh nếu không có được các vị trí quan trọng trong bộ máy chính phủ. Thủ lĩnh MPIGO Phơ-lích Đô-ha tuyên bố “Nếu cam kết không được thực hiện, cộng đồng quốc tế sẽ được thông báo về một cuộc nội chiến tại Cốt Đi-voa”. Lời cảnh báo trên được phát đi ngay sau khi Thủ tướng Cốt Đi-voa Sơ-i-đu Đi-a-ra hội đàm với lãnh đạo nhóm quân nổi dậy lớn nhất Phong trào Yêu nước Bờ Biển Ngà (MPCI) tại Pa-ri để bàn về việc đại diện của lực lượng này sẽ có mặt trong chính phủ.
Ngày 26-8, Bộ Ngoại giao Pháp tuyên bố đã chặn đứng một âm mưu đảo chính ở Cốt Đi-voa và đã bắt giữ 10 nghi phạm tại sân bay quốc tế Sác-lơ Đờ Gôn khi họ đang chuẩn bị bay tới thành phố A-bít-gian (Cốt Đi-voa), trong đó có cựu trùm đảo chính I-bra-him Cua-li-ba-ri cùng nhiều cộng sự của hắn. Giới chức Pháp tình nghi 10 đối tượng này đã chỉ đạo và hỗ trợ tài chính cho một âm mưu gây bất ổn từ nước ngoài nhằm vào Cốt Đi-voa.
Nhận thấy cuộc nội chiến ở quốc đảo này đang gây nên mối đe dọa lớn đối với hoà bình quốc tế và an ninh khu vực, ngày 13-5-2003, Hội đồng Bảo an LHQ đã thoả thuận triển khai 255 lính gìn giữ hoà bình tới Cốt Đi-voa nhằm phối hợp cùng lực lượng binh sĩ Tây Phi và Pháp giám sát việc thực thi hiệp định ngừng bắn, song tình hình cũng không được cải thiện là bao.
Việc Pháp hiện diện quân sự ở Cốt Đi-voa cũng là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Từ cuối năm 2002, Pa-ri thông báo mục đích tăng cường lực lượng gìn giữ hòa bình tại Cốt Đi-voa là để bảo vệ công dân Pháp cũng như nước ngoài, đồng thời cứu vãn thoả thuận ngừng bắn ở đây. Ông T. A-lanh, Cố vấn của Tổng thống Lô-găng tại châu Âu cũng đã từng kêu gọi cồng đồng quốc tế (trong đó có Pháp, Mỹ và EU) đóng vai trò trung gian để can thiệp quân sự nhằm giải quyết cuộc xung đột với phiến quân. Tuy nhiên, hôm 2-12 vừa qua, khoảng 200 người ủng hộ chính phủ Cốt Đi-voa lại vây quanh căn cứ của lực lượng gìn giữ hoà bình Pháp ném gạch, đốt lửa và hô khẩu hiệu đòi lực lượng này phải rút khỏi vùng đệm ở miền Trung đất nước. Trước đó một ngày, một nhóm phiến quân đã chiếm giữ đài truyền hình quốc gia ở thành phố A-bít-gian và đưa ra lời kêu gọi tương tự, thúc giục Tổng thống Lô-găng Gba-bô tiếp tục cuộc chiến; kêu gọi Tổng tư lệnh từ chức; yêu cầu lực lượng gìn giữ hoà bình để họ tiến vào khu vực do phiến quân kiểm soát và khẳng định sẽ “giải phóng đất nước trong vòng 48 giờ”. Tuy không khẳng định rõ nhưng cả hai phe đều cáo buộc Pháp, “cựu mẫu quốc” đã thiên vị phía kia trong cuộc nội chiến kéo dài trong suốt năm qua.
Về phần mình, Pháp tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì 3.800 binh sĩ gìn giữ hoà bình để cách ly những khu vực do chính phủ kiểm soát và những vùng nằm trong tay phiến quân. Phát ngôn viên của quân đội Pháp, Trung tá Gióoc-dơ Pơ-li-ông khẳng định: “Chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện đến cùng nhiệm vụ mà LHQ giao phó”.
HNM
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.