(HNM) - Chỉ thị 07 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về "Giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị quân đội trong chiến tranh giải phóng và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc" phục vụ việc tìm kiếm, quy tập mộ liệt sỹ đã nhận được sự quan tâm của toàn quân và đông đảo nhân dân.
Sau 2 năm triển khai, cơ quan chức năng đã cơ bản tái dựng được tổ chức đơn vị từ ngày thành lập qua các thời kỳ chiến tranh; đã tra cứu, thu thập và ghi điền được rất nhiều thông tin quan trọng.
Giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị quân đội sau chiến tranh đã tạo thuận lợi cho công tác tìm kiếm, quy tập mộ liệt sỹ. |
"Giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị quân đội trong chiến tranh giải phóng và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc" phục vụ việc tìm kiếm, quy tập mộ liệt sỹ được xác định là nhiệm vụ chính trị đặc biệt, thể hiện lòng tri ân và trách nhiệm "uống nước nhớ nguồn" của thế hệ sau này đối với những lớp người đi trước. Do vậy, các cơ quan chức năng đã vào cuộc một cách đồng bộ, đã thu thập được 14.388 thông tin cần giải mã, 16.484 thông tin giải mã và 12.046 thông tin về liệt sỹ, hoàn thành chỉ tiêu thu thập, giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị quân đội trong giai đoạn 1. Đây là tín hiệu tích cực để Ðề án "Tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ từ năm 2012 đến năm 2020 và những năm tiếp theo" được thực hiện nhanh, hiệu quả, làm cơ sở để giải quyết chính sách tồn đọng sau chiến tranh.
Theo Thượng tướng Nguyễn Thành Cung, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, kết quả nổi bật nhất trong giai đoạn 1 thực hiện Chỉ thị 07 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chính là việc một số cơ quan chức năng đã hoàn thiện và ứng dụng hồ sơ điện tử vào công tác tìm kiếm, giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị. Các cơ quan chức năng đã chủ động xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng cấp, ngành, từng tổ chức, cá nhân. Một số cơ quan đã làm tốt công tác tham mưu, tích cực nghiên cứu, hoàn thiện phần mềm giải mã, ứng dụng hồ sơ điện tử, chuẩn bị cơ sở vật chất cho việc tìm kiếm, giải mã… Đại tá Trần Quốc Dũng, Phó Cục trưởng Cục Chính sách (Tổng cục Chính trị) cho biết: Đến thời điểm hiện tại, Cục đã chỉ đạo nhập mới, so sánh, đối chiếu hơn 700.000 hồ sơ điện tử, chuẩn hóa dữ liệu về liệt sỹ, quân nhân từ trần, mất tin trong chiến tranh; kết hợp giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị và cung cấp thông tin cho thân nhân liệt sỹ. Chỉ tính từ tháng 9-2011 đến nay, đơn vị đã trích lục, cung cấp thông tin cho hơn 10.000 thân nhân liệt sỹ. Bên cạnh đó, Cục Chính sách còn chủ động phân tích, khai thác hồ sơ điện tử, thu thập những thông tin hết sức quý giá để làm căn cứ cho các hoạt động tìm kiếm, quy tập mộ liệt sỹ… Trong quá trình thực hiện, Bộ Quốc phòng đã nhận được sự phối hợp giúp đỡ hiệu quả của Hội CCB Việt Nam, Bộ LĐ-TB&XH cung cấp nhiều thông tin có giá trị. Riêng các cấp Hội CCB Việt Nam đã thu được 156.819 ký hiệu, phiên hiệu đơn vị và 3.458 thông tin mộ liệt sỹ.
Tuy nhiên, theo Thiếu tướng Phạm Hữu Bồng, Phó Chủ tịch Thường trực TƯ Hội CCB Việt Nam, mặc dù đạt được những kết quả khả quan trong việc giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị quân đội nhằm tìm kiếm thông tin về liệt sỹ nhưng công tác này đang phải đối đầu với nhiều khó khăn bởi đây là nhiệm vụ mới đầy phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều tổ chức, cá nhân cả ở trong và ngoài nước. Việc giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị quân đội được tiến hành trong điều kiện chiến tranh đã lùi xa; các thế hệ tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu tuổi đã cao, sức khỏe yếu không nhớ rõ các thông tin về ký hiệu, phiên hiệu đơn vị… Cả nước hiện vẫn còn gần 300.000 liệt sỹ chưa được quy tập và khoảng 330.000 liệt sỹ đã được quy tập nhưng chưa xác định được danh tính.
Trước những khó khăn và yêu cầu đặt ra như vậy, trong thời gian tới các cơ quan có liên quan sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thu thập, khai thác, xác minh thông tin, nhất là thông tin cần giải mã, các trường hợp hỏi về tìm mộ liệt sỹ, mất tích, mất tin, tìm đơn vị trong chiến tranh…; hoàn thành việc tái dựng lại tổ chức tên đơn vị đến cấp đại đội từ ngày thành lập, qua các thời kỳ chiến tranh và ghi điền đầy đủ các thông tin. Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương hoàn thiện hệ thống dữ liệu điện tử, tiếp tục triển khai dự án công nghệ thông tin quy mô quốc gia theo Quyết định 1605 của Thủ tướng Chính phủ; hoàn thành hạ tầng kỹ thuật và hệ thống thông tin về liệt sỹ, thương binh, bệnh binh giai đoạn 2012-2015. Mặt khác, các cơ quan chức năng sẽ triển khai lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ trên phạm vi toàn quốc và từng tỉnh, thành phố, xác định khu vực cần tập trung tìm kiếm…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.