(HNM) - Người dân sống trong khu nhà ở Vĩnh Quỳnh, Bộ Tư lệnh đặc công thuộc xã Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì) cho biết, trong quá trình sản xuất, vận chuyển nguyên vật liệu, hàng hóa, Công ty TNHH MTV Bê tông Transmeco (gọi tắt là Transmeco) thường xuyên gây ô nhiễm môi trường.
Tuyến mương giáp đường nhánh 70B bị bồi lấp bởi nước, cát, xi măng. |
Khảo sát phía ngoài hàng rào trụ sở Transmeco, phóng viên nhận thấy phản ánh của người dân là có cơ sở. Khoảng 14h ngày 18-1, quan sát trước cổng vào khu vực sản xuất của Transmeco, có rất nhiều xe chở nguyên liệu vào tập kết bên trong. Mỗi lần xe ra vào, cả đoạn đường giáp cổng luôn bụi mù, trắng xóa nhưng không được Transmeco tưới nước. Bên trong khuôn viên có 2 trạm trộn bê tông tươi, trong đó một trạm đang hoạt động có phát sinh bụi. Phía ngoài hàng rào, cách khuôn viên Transmeco chừng hơn chục mét là một con mương nước có màu trắng đục, ngập ngụa nước thải và chất thải do Transmeco thải ra. Một chiếc máy múc đang múc lượng chất thải lắng đọng từ con mương này để vận chuyển đi.
Một người dân (xin giấu tên) sống gần đó bức xúc: Việc xả thải của Transmeco diễn ra gần chục năm nay, nhất là bụi và nước thải đã ảnh hưởng đến cuộc sống nhân dân. Transmeco chủ yếu sản xuất ban đêm, tiếng ồn từ các trạm trộn và ô tô ra vào khiến người dân thường xuyên mất ngủ. Người dân đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền địa phương yêu cầu Transmeco có biện pháp xử lý nước thải, chất thải trước khi xả ra môi trường, nhưng đến nay tình trạng đó vẫn không có gì thay đổi.
Qua tìm hiểu, Transmeco chuyên sản xuất bê tông tươi, trên diện tích khoảng 15.000m2. Đây là diện tích được UBND TP Hà Nội cho thuê từ năm 2003, trong đó chỉ có 7.932,5m2 đất được xây dựng nhà điều hành và trạm trộn bê tông, thời hạn thuê 50 năm; diện tích còn lại thuê hàng năm.
Trao đổi với phóng viên liên quan đến phản ánh của công dân về việc Transmeco thường xuyên gây ô nhiễm bụi, tiếng ồn và xả nước thải, chất thải chưa qua xử lý ra môi trường, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Quỳnh Nguyễn Thị Thu Hồng, cho biết: Nhiều năm nay xã đã nhận được phản ánh của người dân về vấn đề này, nhưng mới chỉ có tiếng ồn và bụi được Transmeco khắc phục; còn việc xả thải chưa được khắc phục triệt để. Hiện nay, nước thải của Transmeco vẫn được xả ra mương của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam chạy dọc đường nhánh 70B.
Cũng theo bà Hồng, mặc dù người dân cho rằng hoạt động của Transmeco gây ô nhiễm môi trường nhưng theo kết quả tự quan trắc của đơn vị này về bụi thải, nước thải chưa qua xử lý, nước thải sau xử lý thì hầu hết các chỉ số đều nằm trong tiêu chuẩn cho phép. Xã đã thông báo kết quả quan trắc, đồng thời tuyên truyền để người dân biết, chia sẻ với việc sản xuất, kinh doanh của Transmeco nhưng người dân không đồng tình với kết quả đó.
Nói về những phản ánh của người dân xã Vĩnh Quỳnh về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Cường, chuyên viên Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Thanh Trì cho biết, nếu nhìn bằng cảm quan thì ai cũng cho rằng nước thải của Transmeco gây ô nhiễm, song kết quả thử nghiệm mẫu nước thải do UBND huyện thực hiện thì các chỉ số đều nằm trong tiêu chuẩn cho phép. Ông Cường cũng thừa nhận trong quá trình xả thải, ngoài nước thải Transmeco có xả cả cát, xi măng... ra mương!
Rõ ràng, giữa phản ánh của người dân và kết quả đo kiểm của doanh nghiệp, huyện Thanh Trì đã không có "tiếng nói" chung. Do đó, để hạn chế đơn thư, phản ánh của người dân, đề nghị UBND huyện Thanh Trì sớm mời một tổ chức kiểm định độc lập để làm rõ việc xả thải của Transmeco có gây ô nhiễm hay không.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.