Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công tác tuyên truyền góp phần hoàn thành nhiệm vụ kinh tế-xã hội

Lê Hoàn| 28/12/2012 14:55

(HNMO) - Sáng 28-12, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã tổng kết công tác năm 2012 và triển khai nhiệm vụ năm 2013. Các đồng chí: Bùi Thế Đức, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Công Soái, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cùng trưởng các ban Đảng Thành ủy, lãnh đạo UBND TP dự hội nghị.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hồ Quang Lợi và Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Đăng Long. Ảnh Bá Hoạt


Năm 2012, đánh dấu những sự kiện chính trị, kinh tế-xã hội quan trọng của đất nước và Thủ đô, đáng chú ý là Hội nghị TƯ 4 (khóa XI) ban hành Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Quốc hội khóa XIII thông qua Luật Thủ đô tại kỳ họp lần thứ tư; Tình hình quốc tế sau khủng hoảng chính trị ở các nước Bắc Phi và Trung Đông diễn biến phức tạp; vấn đề Biển Đông… tác động không nhỏ tới nhận thức, tư tưởng, tình cảm của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô. Bám sát nhiệm vụ chính trị, tình hình kinh tế-xã hội của TP, sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo TƯ và Thành ủy, hệ thống Tuyên giáo Thủ đô đã chủ động tham mưu, triển khai toàn diện các nhiệm vụ chính trị.

Nổi bật là Ban Tuyên giáo Thành ủy đã chủ động tham mưu và phối hợp tổ chức tốt hội nghị cán bộ TP học tập, quán triệt và triển khai Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020” và 9 chương trình công tác của Thành ủy. Đặc biệt, hệ thống Tuyên giáo từ TP đến cơ sở đã tham mưu giúp cấp ủy thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của TƯ, TP; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; đấu tranh chống âm mưu phá hoại của các phần tử phản động, cơ hội chính trị trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa; giải quyết kịp thời những vấn đề xã hội nổi cộm, nhạy cảm, các điểm nóng tại khu vực giải phóng mặt bằng.

Hoạt động tuyên truyền cũng được triển khai sâu rộng, với nội dung bám sát nhiệm vụ chính trị, hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, gắn với đối tượng cụ thể. Ngoài những ngày lễ lớn, ngày kỷ niệm, hệ thống Tuyên giáo Thủ đô tuyên truyền mạnh mẽ nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội như: Nghị quyết số 13/NQ-CP của Chính phủ “Về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường”; Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tuyên truyền về năm An toàn giao thông; 40 năm Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”; thực hiện văn minh, tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, lễ hội.

Toàn ngành đã làm tốt nhiệm vụ quản lý và định hướng các hoạt động báo chí của Hà Nội. Công tác giáo dục lý luận chính trị, lịch sử Đảng, dư luận xã hội, khoa giáo, thông tin công tác tư tưởng, văn hóa văn nghệ được triển khai nghiêm túc thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đáng chú ý, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã duy trì hội nghị giao ban định kỳ hàng tháng với đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội; theo dõi, hướng dẫn ban tuyên giáo các cấp duy trì ổn định đội ngũ, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của mạng lưới cộng tác viên… Qua đó, kịp thời tổng hợp tình hình dư luận xã hội trên địa bàn TP và phản ánh, báo cáo Ban Tuyên giáo TƯ, Thường trực Thành ủy, lãnh đạo UBND TP, thông tin tới một số sở, ngành liên quan để phối hợp trong công tác tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội.

Trong năm, các quận, huyện, thị ủy đã mở trên 2.100 lớp bồi dưỡng cho gần 330.000 lượt học viên, trong đó có 115 lớp bồi dưỡng đối tượng kết nạp Đảng với trên 13.000 lượt học viên; 84 lớp bồi dưỡng đảng viên mới với trên 8.500 lượt học viên; 176 lớp bồi dưỡng cấp ủy và bí thư chi bộ cho trên 25.000 lượt học viên…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái đánh giá cao sự nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm, tinh thần chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ tuyên giáo Thủ đô đã giúp Đảng bộ TP thực hiện tốt công tác tuyên truyền. Chính sự sáng tạo trong tuyên truyền; sự nhiệt tình, tâm huyết của đội ngũ cán bộ các cấp; sự chủ động của cấp ủy, chính quyền trong xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp và sự vào cuộc của hệ thống chính trị là những yếu tố quan trọng giúp TP vượt khó khăn, đạt quả toàn diện. Năm 2012, tổng sản phẩm GRDP của TP tăng 8,1%, gấp 1,5 lần mức tăng chung của cả nước; thu ngân sách đạt hơn 143.000 tỷ đồng; chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả đáng phấn khởi.

Năm 2013 là năm bản lề, dự báo sẽ còn khó khăn, nhất là về kinh tế. Đồng chí Nguyễn Công Soái đề nghị hệ thống tuyên giáo Thủ đô cần tiếp tục tham mưu triển khai có hiệu quả Nghị quyết đại hội Đảng các cấp và 9 chương trình công tác của Thành ủy; tiến hành sơ kết kết quả sau một nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng các cấp. Toàn ngành cần lựa chọn những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, nhiệm vụ đột xuất, phức tạp, tập trung tuyên truyền, tạo chuyển biến. Đối với khu vực ngoại thành chú ý tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới, nhất là công tác dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, thực hiện nếp sống văn minh, khơi dậy tình làng nghĩa xóm... Khu vực nội thành tập trung tuyên truyền nếp sống văn hóa, văn minh, ý thức chấp hành giao thông. Các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp tập trung tuyên truyền, nâng cao thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ.

Ngoài ra, toàn ngành tiếp tục triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 03-CT/TƯ của Bộ Chính trị, Kế hoạch 20-KH/TU của Thành ủy về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo chủ đề năm 2013 gắn với thực hiện Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI). Nhiệm vụ quan trọng nữa là chủ động đấu tranh có hiệu quả chống âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên. Trước mắt cần tăng cường tuyên truyền cán bộ, nhân dân thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Toàn ngành cần nâng cao chất lượng hoạt động thông tin, công tác tư tưởng; chủ động cung cấp thông tin, phát huy vai trò của các cơ quan báo chí nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của TP.

Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Trưởng ban Tuyên giáo TƯ Bùi Thế Đức đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho đồng chí Trần Văn Cẩn, Nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tây (cũ); trao Huân Chương Độc lập hạng Ba cho đồng chí Vũ Lưu, nguyên Trưởng ban Nghiên cứu lịch sử Đảng, Thành ủy Hà Nội; trao Huân chương Lao Động hạng Ba cho đồng chí Nguyễn Khả Hùng, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái trao Huân chương Lao động hạng Ba cho UVTV, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hồ Quang Lợi và Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Đăng Long.

Dịp này, có 2 cá nhân được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Ban Tuyên giáo các quận, huyên ủy: Long Biên, Sóc Sơn, Gia Lâm nhận Cờ Đơn vị thi đua xuất sắc; 27 tập thể, cá nhân nhận Bằng khen của BTV Thành ủy; 41 tập thể, cá nhân nhận Giấy khen của Ban Tuyên giáo Thành ủy.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Công tác tuyên truyền góp phần hoàn thành nhiệm vụ kinh tế-xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.