Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật: Thiết thực với từng đối tượng

Bách Sen| 07/08/2013 05:59

(HNM) - Vấn đề UBND TP Hà Nội đặc biệt quan tâm sau khi mở rộng địa giới hành chính là nâng cao nhận thức của người dân, nhất là vùng nông thôn trong việc chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.



Từ khảo sát nhu cầu, độ tuổi lao động từng địa bàn, hàng loạt cơ chế, chính sách đã được xây dựng, hoàn thiện và triển khai giúp cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) thiết thực đối với từng đối tượng.

Người dân thôn Bình Vọng, xã Văn Bình, huyện Thường Tín tìm đọc sách pháp luật tại tủ sách của địa phương. Ảnh: Lê Tuấn


Xác định chỉ bằng con đường tuyên truyền PBGD PL cho người dân mới đạt được hai mục tiêu: Tạo chuyển biến trong ý thức tìm hiểu pháp luật và nâng cao dân trí, ngay sau khi hợp nhất, Hà Nội đã đánh giá tác động của công tác này đối với từng nhóm đối tượng, vùng miền. Tuy nhiên, khi nắm bắt được nhu cầu của người dân thì lại nảy sinh khó khăn về công tác cán bộ. Theo đề xuất của Sở Tư pháp, UBND TP đã ban hành Quyết định số 587/QĐ-UBND ngày 2-2-2010 về "Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác PBGDPL đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển của Thủ đô giai đoạn 2010-2012". Cùng với đó, UBND TP ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án "Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn Hà Nội" và Đề án "Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số".

Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL TP, cấp quận, huyện, xã, phường được kiện toàn. Trong đó, số người được lựa chọn để thực hiện PBGDPL lên đến hơn 5.000 người (gồm những người có uy tín trong cộng đồng, tâm huyết và am hiểu pháp luật). Với người dân khu vực đô thị, nông thôn, nội dung tuyên truyền tập trung vào các văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến cuộc sống như các Bộ luật Dân sự, hình sự, hành chính, hôn nhân, gia đình, đất đai, xây dựng; quy chế thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân… Hình thức phổ biến được thực hiện qua hệ thống đài truyền thanh xã, phường, thị trấn; qua công tác hòa giải, tiếp dân, giải quyết KNTC; sinh hoạt câu lạc bộ trợ giúp pháp lý kết hợp với phát huy tác dụng tủ sách pháp luật… Với cán bộ, công chức... tập trung tuyên truyền, phổ biến các luật: Công chức, viên chức, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, khiếu nại, tố cáo…

Để công tác PBGDPL đạt hiệu quả, nhiều địa phương, đơn vị đã có cách làm sáng tạo. Tại huyện Thanh Oai, kinh nghiệm cho thấy, chỉ khi chú trọng việc đối thoại, đưa ra các tình huống thực tế và hướng dẫn cách xử lý, giải quyết mới thu hút sự quan tâm của người dân. Nhờ đó, sau 5 năm, đến nay đa số người dân trên địa bàn huyện đã nắm bắt các quy định của pháp luật, được giải đáp nhiều thắc mắc, góp phần ổn định tình hình của địa phương. Nét đặc trưng ở huyện Ba Vì là tiến hành trợ giúp pháp lý lưu động đến từng cơ sở thôn, xóm, cụm dân cư về các lĩnh vực như đất đai, dân sự, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đền bù giải phóng mặt bằng. Còn theo bà Lưu Thị Hà, Trưởng phòng Tư pháp quận Long Biên, để thu hút đông đảo bạn trẻ tham dự các buổi tuyên truyền PBGDPL, quận thường tổ chức sinh hoạt chuyên đề vào buổi tối hoặc ngày nghỉ. 5 năm qua, toàn quận đã tổ chức được 98 buổi tuyên truyền, PBGDPL với hơn 15.550 lượt thanh niên tham dự.

Ngoài ra, theo đánh giá của UBND TP Hà Nội, một số quận, huyện như: Hoài Đức, Đan Phượng, Từ Liêm, Hoàng Mai, Sóc Sơn... cũng đã tổ chức các cuộc điều tra khảo sát thăm dò ý kiến dư luận để điều chỉnh nội dung, hình thức, biện pháp PBGDPL phù hợp với từng cơ sở. Thành công của mỗi quận, huyện đã góp phần giúp Hà Nội thực hiện tốt công tác PBGDPL. Nhiều chỉ tiêu đề ra về số lượng, hình thức tuyên truyền phổ biến pháp luật cho các đối tượng hằng năm đều đạt và vượt kế hoạch. Đặc biệt, thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý đã gián tiếp góp phần giải quyết mâu thuẫn ở một bộ phận dân cư, giảm khiếu kiện, khiếu nại vượt cấp, giúp người dân thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền cơ sở và chính sách pháp luật của Nhà nước. Giai đoạn 2013-2016, Hà Nội sẽ tập trung nhân rộng và phát huy hiệu quả các mô hình hiệu quả, tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong PBGD PL để hoạt động này ngày càng sát dân và hiệu quả hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật: Thiết thực với từng đối tượng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.