Trí tuệ nhân tạo (AI) đang trở thành trợ thủ đắc lực của con người trong mọi lĩnh vực của đời sống, bao gồm cả lĩnh vực đòi hỏi sự sáng tạo, cảm xúc như văn học, nghệ thuật.
Trong âm nhạc, không chỉ những người trẻ, hiện nay ở Hà Nội, các nhạc sĩ mọi lứa tuổi đã và đang hào hứng tiếp cận AI, ứng dụng công cụ này để hỗ trợ sáng tác, góp phần tạo nên những tác phẩm hay, mới lạ, hợp với xu thế thời đại.
Các thế hệ cùng ứng dụng
Buổi sinh hoạt định kỳ tháng 8 của Hội Âm nhạc Hà Nội vừa diễn ra với chủ đề “Ứng dụng AI trong sáng tác ca khúc” đã diễn ra vô cùng hào hứng và sôi nổi, thu hút các nhạc sĩ ở nhiều lứa tuổi. Trước đó, tại buổi sinh hoạt tháng 6 của hội, vấn đề này cũng được đặt ra với các diễn giả là nhạc sĩ Nguyễn Tiến Mạnh và nhạc sĩ Mai Kiên. Họ đã cập nhật tới các nhạc sĩ về xu hướng sử dụng AI trong âm nhạc, giới thiệu một số phần mềm thông dụng hỗ trợ sáng tác âm nhạc… Đó cũng là một buổi tranh luận “nảy lửa” giữa các hội viên về vấn đề nên hay không nên sử dụng AI sáng tác âm nhạc. Để đáp ứng nguyện vọng của các nhạc sĩ, Hội Âm nhạc Hà Nội tiếp tục tổ chức sinh hoạt chuyên đề này vào tháng 8 với việc vừa hướng dẫn các nhạc sĩ thực hành ứng dụng AI trong sáng tác, đồng thời tiếp tục trao đổi thẳng thắn, sâu sắc về giới hạn khi sử dụng AI trong hoạt động âm nhạc.
Các nhạc sĩ hội viên chia thành 4 nhóm, mỗi nhóm ứng dụng AI sáng tác ca khúc theo chủ đề được đưa ra, như về quê hương, Hà Nội, tình yêu, đất nước đổi mới, hiện đại… theo các phong cách dân gian, thính phòng, ballad, pop, rock hoặc nhạc điện tử… Các nhóm đã cùng nhau trao đổi ý tưởng sáng tác, sử dụng phần mềm AI sáng tác âm nhạc trên điện thoại di động, máy tính xách tay, máy tính bàn… và chỉ trong 7-10 phút đã hoàn thành tác phẩm mới để trình bày và giới thiệu tại buổi sinh hoạt, lắng nghe nhận xét của đồng nghiệp.
Hào hứng cùng các nhạc sĩ tham gia thực hành ứng dụng và công bố tác phẩm mới, nhạc sĩ Trần Đức Cảnh chia sẻ, bản thân đã ứng dụng AI trong sáng tác một thời gian và nhận thấy đây là công cụ hữu ích. “Phần mềm AI sáng tác âm nhạc có nhiều tuyến giai điệu hay tạo cảm hứng cho nhạc sĩ và trợ giúp mình các công đoạn như hòa âm, phối khí, thể hiện. Tất nhiên, để tạo ra thành phẩm đúng ý mình, nhạc sĩ phải chỉnh sửa rất nhiều”, nhạc sĩ Trần Đức Cảnh cho hay.
Nhạc sĩ Nguyễn Tiến Mạnh, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội cho biết, hiện nay, các phần mềm AI hỗ trợ sáng tác âm nhạc rất phổ biến và hữu ích. Người sử dụng có thể dùng AI để viết lời theo yêu cầu; tạo các bản nhạc với nhiều phong cách khác nhau như thính phòng, pop, rock, nhạc điện tử…; hòa âm, phối khí cho tác phẩm với những nhạc cụ, biên chế dàn nhạc đa dạng… “AI có thể hỗ trợ các nhạc sĩ rất nhiều, giúp họ rút ngắn thời gian, công đoạn trong sáng tác và lựa chọn những phiên bản tốt nhất, ưng ý nhất cho sáng tác của mình”, nhạc sĩ Nguyễn Tiến Mạnh nhận định.
Nên xây dựng kho dữ liệu về âm nhạc Việt Nam cho AI
Hiện nay, việc sử dụng AI trong tất cả các lĩnh vực là xu hướng tất yếu, kể cả trong văn học, nghệ thuật. Theo Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội Nguyễn Tiến Mạnh, ứng dụng AI trong sáng tác âm nhạc trên thế giới và cả Việt Nam đều đang có 2 luồng ý kiến. Có người phản đối vì cho rằng đây là lĩnh vực đòi hỏi sự rung cảm tự thân của người viết. Cũng có người ủng hộ vì đây là công cụ hỗ trợ rất nhiều trong sáng tác.
Tại Việt Nam, những năm gần đây, đa số các nhạc sĩ trẻ đã ứng dụng AI trong sáng tác. Tuy nhiên, nhạc sĩ Nguyễn Tiến Mạnh khẳng định, trí tuệ nhân tạo không thể thay thế con người. Âm nhạc do các thông số kỹ thuật hình thành và “người máy” thể hiện đều không thể có cảm âm, cảm xúc tinh tế như của con người. Theo Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội, nhạc sĩ cần thiết sử dụng AI trong sáng tác nhưng không nên lạm dụng, phụ thuộc hoàn toàn mà phải biết biến AI thành trợ thủ đắc lực cho mình.
Là nhạc sĩ kỳ cựu, ở tuổi ngoại “bát tuần”, nhưng nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh cho hay, bản thân ông đã tiếp cận và nghe rất nhiều nhạc do AI hỗ trợ sáng tác để phục vụ cho công việc chuyên môn như nghiên cứu, sáng tác, chấm thi… Theo nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, không thể gạt bỏ thành tựu công nghệ AI mà phải biết kết hợp hài hòa giữa việc ứng dụng AI với sáng tạo của con người để tạo nên tác phẩm âm nhạc tốt hơn, phù hợp với thời đại hơn.
Trong quá trình tiếp cận với công nghệ AI, nhạc sĩ Giáng Son nhận thấy, thành phẩm âm nhạc do trí tuệ nhân tạo viết thường bị phô, không mượt mà, đúng dấu. Bên cạnh đó, với các sáng tác bằng chất liệu hiện đại thì AI có thể đáp ứng, còn chất liệu dân gian từng địa phương, vùng miền thì dữ liệu từ các phần mềm trí tuệ nhân tạo rất nghèo nàn và không thể cho ra “chất” như nhạc sĩ tự sáng tác. Nữ nhạc sĩ cũng khẳng định, người viết nhạc hiện nay nên ứng dụng AI trong sáng tác mà không lo bị “thay thế”.
Cùng quan điểm, nhạc sĩ Nguyễn Quý Lăng cho rằng, nếu không tiếp cận và ứng dụng AI trong sáng tác ở một mức độ nhất định thì nhạc sĩ sẽ bị tụt hậu. Bên cạnh đó, giới âm nhạc nước nhà nên nghĩ tới việc xây dựng kho dữ liệu riêng về âm nhạc Việt Nam cho AI để hỗ trợ đắc lực hơn đối với người sáng tác…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.