Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công nghệ mạnh là chưa đủ

Đỗ Quỳnh Chi| 16/12/2016 06:18

(HNM) - Từ hôm qua (15-12), người dân ở tất cả các xã, phường, thị trấn của TP Hà Nội có thể vào trang egov.hanoi.gov.vn, điền các thông tin và có thể hoàn tất việc đăng ký khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn, trích lục đăng ký khai sinh, chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ, văn bản.


Trước đó, tại tất cả các phường, xã thuộc 12 quận và 6 huyện đã triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3 lĩnh vực tư pháp nêu trên. Với DVCTT mức độ cao như vậy, không chỉ rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ (có dịch vụ rút ngắn từ 20 ngày xuống còn 5 ngày) mà còn góp phần hình thành công dân điện tử và hồ sơ, dữ liệu điện tử của công dân.

Đó là một thực tế được mong chờ, một tin vui lớn đối với nhân dân, một bước đột phá của Hà Nội trong cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi, giảm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Để tạo điều kiện tốt cho người dân và cải thiện môi trường kinh doanh, Hà Nội còn chỉ đạo rà soát để giảm bớt hồ sơ, rút ngắn thời gian cấp sổ đỏ, đăng ký kinh doanh.

Nhiều năm qua, thủ tục hành chính nhiêu khê, rườm rà cùng với cung cách giải quyết “không đi đâu mà vội” của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức khiến niềm tin của người dân đối với cơ quan công quyền và người thực thi công vụ giảm sút; đồng thời còn làm cho môi trường đầu tư kinh doanh thiếu minh bạch. Do đó, việc Hà Nội tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, được cụ thể hóa từ khâu rà soát, đơn giản hóa các thủ tục, tin học hóa thủ tục hành chính đến tăng cường cung cấp các DVCTT mức độ 3 tới địa bàn ngoại thành là một sự chuẩn bị công phu, là “đột phá” của đột phá. Kết quả đó không chỉ là vấn đề tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, người dân, mà còn làm cho chính quyền gần gũi, trách nhiệm với nhân dân; nhân dân thật sự có niềm tin vào chính quyền.

Tuy nhiên, qua thời gian thử nghiệm ở 6 huyện, điều đáng quan tâm là mức độ sử dụng DVCTT mới chỉ khoảng 30%. Do đó, cùng với hạ tầng hiện đại, đồng bộ, những người thực thi công vụ thành thạo các kỹ năng công nghệ thông tin, thì việc xây dựng được một thế hệ “công dân điện tử” là rất quan trọng, nếu không muốn nói là có tính quyết định đến thành công của việc ứng dụng DVCTT mức độ 3 và cao hơn nữa.

Thực tế cũng cho thấy, vì nhiều công dân còn thiếu mặn mà với ứng dụng các tiện ích do công nghệ thông tin mang lại, với DVCTT nên không ít cán bộ bộ phận “một cửa” cũng duy trì cách giải quyết công việc theo nếp cũ, nặng về thủ công. Vì vậy, trong thời gian tới, công tác tuyên truyền, đào tạo kiểu “cầm tay chỉ việc” cho người dân từ chỗ làm quen, am hiểu tiến tới thành thạo kỹ năng công nghệ thông tin là tối quan trọng và phải thực hiện kiên trì. Đồng thời, cần phát triển các dịch vụ tiện ích phục vụ nhu cầu dịch vụ công như dịch vụ nhắn tin thông báo kết quả, tình trạng giải quyết hồ sơ hành chính, dịch vụ đăng ký xếp hàng tại nhà… một cách bài bản hơn.

Cùng với đó, thành phố cần tiếp tục cải cách thể chế, tổ chức rà soát, lập danh mục đề xuất văn bản quy phạm pháp luật cần bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới cho phù hợp với điều kiện hiện nay. Ngoài ra, phải tăng cường xây dựng, sử dụng thống nhất biểu mẫu điện tử trong giao dịch giữa cơ quan, tổ chức và cá nhân, đáp ứng yêu cầu đơn giản, minh bạch và thuận tiện tạo điều kiện tăng số lượng các DVCTT.

Với các nhóm giải pháp đồng bộ, lộ trình thực hiện cụ thể, DVCTT sẽ đem lại sự thuận tiện, minh bạch, hiệu quả trong giao dịch giữa công dân, tổ chức với chính quyền.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công nghệ mạnh là chưa đủ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.