(HNM) - Ngày 10-8-1961, những chiếc máy bay đầu tiên chở đầy chất độc da cam cất cánh từ các căn cứ quân sự Mỹ ở miền Nam Việt Nam bắt đầu rải xuống những cánh rừng, khởi đầu cho một tội ác.
Từ năm 1961 đến 1971, quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 phi vụ, phun rải 80 triệu lít chất độc hóa học, trong đó 61% là chất da cam, chứa 366kg dioxin xuống những cánh rừng, những thôn, bản của Việt Nam. 50 năm, nỗi đau da cam vẫn còn đó.
Gần 5 triệu người Việt Nam đã bị phơi nhiễm chất độc da cam. Hàng vạn người đã chết trong đau khổ. Nhiều người đang chết dần chết mòn, từng ngày từng giờ vì những căn bệnh quái ác liên quan đến thứ chất độc giết người này. Những nỗi bất hạnh đeo đẳng khi người phơi nhiễm chất độc da cam trở về từ chiến trường khốc liệt, cưới vợ, sinh con và vô tình truyền thứ chất độc giết người sang thế hệ kế tiếp. Hàng chục vạn trẻ em bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, sống đời sống thực vật…
Nghiệt ngã đến tận cùng khi những người làm cha, làm mẹ chỉ mong sao mình là người ra đi muộn nhất để có thể chăm sóc cho những đứa con bất hạnh, tật nguyền dù còn chút sức tàn.
Nỗi đau kéo dài qua tháng năm. Chất độc da cam không phân biệt người của bên này hay bên kia chiến tuyến. Những anh giải phóng quân, những chị thanh niên xung phong, những người cầm súng cứu nước, bảo vệ nền độc lập tự do cho dân tộc Việt Nam đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi chất độc Mỹ. Những người từng cầm súng Mỹ, những người Mỹ trực tiếp gieo tội ác cũng không thoát. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton phải thốt lên: "Chất dioxin tồn tại như một di sản của quá khứ đau buồn mà chúng ta cùng trải qua".
Chính phủ Hoa Kỳ đã có những động thái tích cực hơn trong việc góp phần giải quyết hậu quả da cam của cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Thế nhưng, vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đối với 37 công ty hóa chất Mỹ mới chỉ dừng lại ở giai đoạn tiền xét xử. Cuộc đấu tranh đòi công lý đã thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước, quốc tế và cả dư luận Mỹ. Một phong trào mang tính quốc tế, đấu tranh chống chiến tranh hóa học, đòi Hoa Kỳ phải bồi thường thiệt hại cho nhân dân Việt Nam đã hình thành. Thế nhưng Tòa án Hoa Kỳ đã từ chối vụ kiện. Họ thật sự vô cảm ?
50 năm, nỗi đau da cam vẫn đang vò xé các nạn nhân, vò xé những trái tim nhân ái. Với nghĩa tình và trách nhiệm, Ðảng, Nhà nước đã dành sự giúp đỡ tinh thần và vật chất to lớn cho các nạn nhân chất độc da cam. Gần 200.000 bộ đội, thanh niên xung phong và con đẻ của họ được Nhà nước nuôi dưỡng. Hàng trăm tỷ đồng đã được huy động từ những tấm lòng tương thân tương ái của đồng bào giúp các nạn nhân cải thiện cuộc sống, phát triển sản xuất, xây dựng nhà ở, khám chữa bệnh, phục hồi chức năng… Nỗ lực rất lớn nhưng mới chỉ đáp ứng một phần. Nạn nhân chất độc da cam vẫn là những người nghèo nhất trong những người nghèo, những người đau khổ nhất trong những người đau khổ.
50 năm thảm họa chất độc da cam là một dấu mốc để mỗi người Việt Nam cùng nhìn lại, cùng sẻ chia với các nạn nhân, cùng làm tất cả những gì có thể để xoa dịu những nỗi đau, để vợi bớt gánh nặng cho những mảnh đời bất hạnh, để chung sức cùng nhân loại tiến bộ đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân và khắc phục hậu quả nặng nề mà chất độc da cam để lại.
Âm mưu che đậy tội ác trong việc sử dụng vũ khí hóa học, bằng luận điệu "dùng chất diệt cỏ để khai hoang" của quân đội Mỹ trong chiến tranh Việt Nam sẽ bị vạch trần trước công lý bởi nỗ lực tranh đấu của mỗi trái tim nhân ái. Hãy đồng hành cùng các nạn nhân của chất độc da cam!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.